Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 ảnh hưởng công nghệ thế giới ra sao?
Theo các nhà phân tích, các chiến lược của Mỹ hậu bầu cử - từ các biện pháp trừng phạt như thuế quan và hạn chế thương mại đến các ưu đãi tích cực như tài trợ nghiên cứu trong nước - sẽ xuất phát từ nguyên tắc kiềm chế công nghệ Trung Quốc vươn lên cao hơn.
"Hướng đi khá rõ ràng", Xu Tianchen, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Economist Intelligence Unit nhận định. "Cuộc chiến công nghệ sẽ chỉ gia tăng và kết quả bầu cử sẽ quan trọng về mặt chiến thuật, không phải chiến lược".
Ông cho rằng, khác biệt lớn nằm ở việc liệu Mỹ có "tận dụng các đồng minh của mình để kiềm chế Trung Quốc hay không – ông Trump sẽ theo đuổi các hành động khắc nghiệt, bừa bãi chống lại Trung Quốc và các công ty ít nhiều trong sự đơn độc, trong khi bà Harris có khả năng ủng hộ một cách tiếp cận có mục tiêu hơn, phối hợp hơn".
Ông Trump đã phát động cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trong nhiệm kỳ Tổng thống 2017 – 2021 khi cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc với lý do hành vi thương mại không công bằng và an ninh quốc gia.
Giới quan sát nhận định, dù ai là người chiến thắng bầu cử Mỹ 2024, các lệnh cấm mới gần như chắc chắn sẽ được áp đặt. Theo các nhà phân tích, chiến thắng cho ông Trump sẽ tác động tiêu cực trong ngắn hạn vì khả năng cao ông sẽ siết chặt các lệnh cấm xuất khẩu và trừng phạt lên ngành bán dẫn Trung Quốc.
Khi còn là người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ, ông đã áp thuế lên hàng tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và trừng phạt hàng loạt tập đoàn lớn, bao gồm xưởng đúc chip SMIC và nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei.
Hồi tháng 8, công ty môi giới Topsperity Securities viết trong báo cáo: “Là người khởi xướng nâng cấp toàn diện việc ngăn chặn khoa học và công nghệ của Trung Quốc, nếu ông Trump lên nắm quyền một lần nữa... ngành công nghiệp bán dẫn trong nước có thể bị trấn áp hơn nữa".
Dù vậy, ông Trump thể hiện sự khó đoán trong các tuyên bố và bài đăng trên mạng xã hội. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2024, ông phản đối lệnh cấm TikTok, ứng dụng mà chính ông đã đề xuất cấm ở nhiệm kỳ trước.
Bất kể kết quả bầu cử Mỹ 2024 ra sao, ngành công nghệ Trung Quốc hiện tại đã tập trung vào thị trường nội địa nhiều hơn và khả năng tự chủ cao hơn so với vài năm trước.
Cuộc chiến thương mại chứng kiến một loạt hành động “ăn miếng trả miếng” giữa hai nước, chẳng hạn đại lục hạn chế xuất khẩu tài nguyên đất hiếm quan trọng trong sản xuất bán dẫn. Công nghệ Trung Quốc cũng tìm cách xoay xở để sống sót giữa các đòn trừng phạt.
Nổi tiếng với vai trò “công xưởng thế giới” và là nguồn cung cấp hàng hóa giá rẻ, Trung Quốc hiện đang đi đầu trong các ngành công nghiệp phức tạp, có độ chính xác cao, được hỗ trợ bởi nhiều năm chính sách công nghiệp và đầu tư đáng kể của nhà nước.
Năm 2016, nước này có 4 dự án mua sắm chính phủ trị giá hơn 10 triệu NDT (1,4 triệu USD) nhằm thay thế phần cứng và phần mềm nước ngoài bằng sản phẩm nội. Năm nay, số dự án tăng lên 169.
"Bối cảnh toàn cầu đã thay đổi - Trung Quốc không còn là người học việc trong sản xuất tiên tiến mà đứng ngang hàng với phương Tây, cạnh tranh bình đẳng", Zhao Zhijiang, nhà phân tích tại tổ chức tư vấn chính sách công Anbound cho biết.
"Các công ty ô tô điện Trung Quốc hiện hoàn toàn có khả năng đối đầu với các đối tác phương Tây, và điều tương tự cũng đúng với robot công nghiệp và đóng tàu. Ngoài công nghệ, phương Tây cũng phải đối mặt với thực tế rằng Trung Quốc có thể thống trị một nửa, nếu không muốn nói là nhiều hơn, thị phần toàn cầu của các lĩnh vực này".
Như vậy, ngay cả khi ông Trump siết chặt kiểm soát xuất khẩu, các nhà sản xuất trong nước nay không còn lệ thuộc vào công nghệ ngoại và được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những thay đổi bất lợi trong môi trường kinh doanh.
Robert D. Atkinson, Chủ tịch Quỹ Đổi mới và Công nghệ thông tin, nhận định Mỹ đã làm chậm bước tiến của Trung Quốc trong ngành bán dẫn, song các lĩnh vực khác như robot thì không. “Họ có thể có mọi thứ họ cần từ trong nước”.
Chính quyền Joe Biden đã hạn chế Trung Quốc tiếp cận chip AI tiên tiến dùng trong phát triển AI. Tuy nhiên, điều này không thể ngăn cản nền kinh tế số 2 thế giới đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ mới nổi. Tính đến tháng 7, nước này chiếm 36% trong tổng số 1.328 mô hình ngôn ngữ lớn toàn cầu, chỉ sau Mỹ (44%), theo dữ liệu từ Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông Trung Quốc.
Một số hãng công nghệ Trung Quốc đã từ bỏ việc dự đoán ai là người chiến thắng. Một lãnh đạo tại một doanh nghiệp lớn chia sẻ họ đang hoạt động ở trạng thái “bình thường mới”. “Vì không thể biết được điều gì sẽ diễn ra tiếp theo, chúng tôi chỉ cố gắng đi nhanh nhất có thể”.
(Theo SCMP, Bloomberg)