Cuộc cách mạng sản xuất mới này được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và người dân khắp toàn cầu, cũng như làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất.
Cách đây không lâu, công nghệ thực tế ảo (VR) vẫn còn là một công nghệ mới, được coi là giấc mơ cho cuộc sống trong tương lai, và chỉ là đồ chơi của thời điểm đó. Tuy nhiên, công nghệ thực tế ảo giờ đây đã phát triển nhanh chóng. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 37% các tổ chức tham gia khảo sát đã ứng dụng công nghệ VR cho hoạt động kinh doanh của mình. Thị trường hiện nay đang có nhiều thiết bị dành cho người dùng cuối hơn là dành cho doanh nghiệp, nhưng khoảng cách ứng dụng này sẽ không còn nữa vào năm 2019.
Và tới năm 2020, cả người dùng lẫn doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ có thể dễ dàng tiếp cận tới các thiết bị, hệ thống, công cụ và cả dịch vụ VR chất lượng cao với chi phí phải chăng.
Theo dự đoán, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ là thị trường có mức tăng trưởng VR hàng đầu thế giới, với tỷ lệ tăng trưởng dự kiến trên 80% hàng năm từ 2016 đến 2024. Giá trị thị trường VR trên toàn cầu có thể đạt tới 60 tỉ USD vào năm 2025.
Bất cứ chỗ nào mà có thể ứng dụng hình ảnh được thì công nghệ VR sẽ giúp nâng cao hiệu suất và hiệu quả công việc, đồng thời giảm thiểu chi phí cũng như rủi ro, cho dù đó là việc chuyển những bản vẽ thiết kế, kỹ thuật sang bản dựng 3D thân thiện hơn, hay đào tạo nhân viên y tế tương lai với hình ảnh thực tế ảo về các bộ phận cơ thể con người cùng bệnh lý liên quan.
Những ứng dụng VR trong y tế, công nghiệp và marketing như vậy hiện đang được ứng dụng trong cuộc sống, khiến ngành này được dự báo doanh thu về các thiết bị AR và VR headset tăng mạnh gấp 10 lần vào năm 2021.
Công nghệ thực tế ảo (VR) giúp doanh nghiệp tương tác và gắn kết với khách hàng hơn. Những ứng dụng sử dụng VR đặc biệt hữu dụng đối với những doanh nghiệp cần khách hàng hiểu rõ sản phẩm của họ.
Chẳng hạn, với công nghệ thực tế ảo, các kiến trúc sư có thể dẫn khách hàng, một cách ảo hóa, tham quan toàn bộ một tòa nhà mặc dù móng của nó còn chưa được hoàn thành. Hay như nhà bán lẻ cần thể hiện những mẫu thời trang cho khách hàng và tạo ra những phòng trưng bày ảo.
Tại Việt Nam, công nghệ thực tế ảo cũng đang dần xâm nhập vào doanh nghiệp và đời sống. Vừa qua, tại Diễn đàn Cấp cao CNTT và Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) lần thứ 7 diễn ra tại Hà Nội, do VINASA tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT, với chủ đề “Chuyển động số trong Cách mạng Công nghiệp 4.0”, Công ty VNG đã trình diễn các sản phẩm mang đậm nét “Việt Nam 4.0” như: Sản phẩm giải trí thực tế ảo D.T VR do trung tâm nghiên cứu nội dung giải trí số phát triển.
Trước đó, tại IDEAS Show APEC Innovation Đài Loan 2017, công nghệ thực tế ảo Holocare của Việt Nam đã được vinh danh là “Dự án có giá trị đầu tư nhất”. Dự án Holocare của Holomia là giải pháp hỗ trợ bác sỹ toàn cầu hội chẩn và chẩn đoán bệnh trên nền tảng 3D thực tế ảo. Holocare giúp các bác sĩ trên toàn thế giới có thể cùng tham gia hội chẩn trên môi trường 3D sinh động, rút ngắn thời gian chờ đợi, đem lại cơ hội được chữa trị kịp thời cho các bệnh nhân. Công nghệ 3D, VR/AR/Mixed reality được tích hợp để số hóa 3D mẫu bệnh từ dữ liệu máy quét CT, sau đó được trả lên ứng dụng Holocare tương thích trên các thiết bị như kính thực tế ảo, smartphone hứa hẹn sẽ mở ra bước nhảy vọt mới trong lĩnh vực y tế, hỗ trợ tối đa cho các bác sĩ và bệnh viện.