Chỉ chưa đầy 20 năm trở lại đây, những chiếc máy tính để bàn màn hình lồi đã được thay thế bằng máy tính xách tay nhỏ gọn. Báo chí cũng thế, từ những tờ báo đơn sắc được in trên giấy cho tới những dòng thông tin đa sắc màu gói gọn trên thiết bị di động. Chỉ nhiêu đó thôi, có thể thấy được cách chúng ta tiếp cận với loại hình thông tin này đã thay đổi nhanh như thế nào.
Trên thực tế, báo chí hiện đại phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ 4.0. Dưới đây là tổng quan các xu hướng công nghệ đang góp phần định hình lại tương lai của ngành báo chí.
Trí tuệ nhân tạo: Công nghệ tất yếu thay đổi công nghiệp báo chí
Trí tuệ nhân tạo (AI) được ra đời nhằm mục đích tự động hoá các hành động thông minh như con người nhờ vào các hệ thống máy học (machine learning). Sớm nhận ra tiềm năng lớn mạnh của AI, các hãng tin lớn như BBC, CNN đã sử dụng AI như một công cụ để phân tích hành vi người đọc, từ đó đề xuất những tin bài liên quan nhất tới chủ đề họ quan tâm.
Việc kết hợp công nghệ AI vào quy trình báo cáo tin tức có thể giúp các nhà xuất bản tạp chí và tòa soạn trong tương lai hoạt động hiệu quả, tiết kiệm thời gian hơn. Nền tảng AI có thể được sử dụng để giúp các nhà báo xác thực thông tin trong thời gian thực, tạo ra các tin tức tự động.
Mặc dù AI có thể hỗ trợ người làm báo sáng tạo nội dung, cũng như tìm hiểu thị hiếu độc giả, nhưng nó vẫn chưa thể thay thế cho việc đưa tin của phóng viên truyền thống. Các nhà báo, phóng viên con người có kỹ năng phát triển quan hệ với các nguồn tin, phân tích sâu về dữ liệu và xác định một chủ đề nhất định có đáng tin hay không – đó là những điều mà AI hiện nay chưa thể làm được.
Sự trở lại của Podcast và sức mạnh truyền thông từ các nền tảng mạng xã hội
Các nền tảng kể chuyện bằng file âm thanh mới như podcast và mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch. Podcast có thể sẽ trở nên quan trọng hơn nữa trong tương lai của ngành báo chí.
Thay vì thu nạp thông tin một cách thủ công, giờ đây, mọi người có thể cảm nhận được nội dung mà người viết truyền đạt thông qua podcast, đây là xu hướng mới mẻ được nhiều người trẻ sử dụng.
Phần lớn các đầu báo trên thế giới và cả Việt Nam đều đã có chuyên mục Podcast nhằm tổng hợp tin tức hay được phát hành dưới dạng chuyên đề, nhằm thoả mãn nhu cầu về cả phần nhìn và nghe của các độc giả
Các nền tảng mạng xã hội cũng đang định hình xu hướng báo chí, vì ngày càng có nhiều tòa soạn sử dụng Facebook và Twitter để đưa tin theo thời gian thực. Các phóng viên đã đã tận dụng ảnh hưởng của mạng xã hội đối với việc thu thập và đưa tin, nhận thấy rằng họ có thể giao tiếp với độc giả của mình tốt hơn.
Theo một nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Báo chí tại Đại học Oxford, trong năm 2020, Facebook dẫn đầu với 36% người dùng sử dụng để xem tin tức. YouTube có 21% người dùng xem tin tức trên các trang video phổ biến. WhatsApp có 16% người dùng trong nhóm đó và 12% sử dụng Twitter.
Qua thống kê, có thể thấy được mức độ phổ cập thông tin trên các nền tảng này vô cùng lớn, chưa kể tới tính năng chia sẻ, người dùng có thể chia sẻ mẩu tin thú vị cho bạn bè một cách nhanh chóng.
Blockchain: Công nghệ mới nổi giúp các tòa soạn xây dựng lòng tin của công chúng
Blockchain (chuỗi khối) vốn được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực tiền điện tử như bitcoin, nhờ vào khả năng bảo mật cũng như tính minh bạch. Các hệ thống dựa trên blockchain cũng có thể mang lại một số lợi ích trong tương lai của ngành báo chí.
Các cá nhân và tổ chức có thể sử dụng blockchain để lưu trữ và theo dõi vĩnh viễn hồ sơ của các giao dịch trực tuyến và truyền thông kỹ thuật số. Thông tin trong hệ thống blockchain có thể dễ dàng được xác thực, giúp người đọc dễ dàng xác minh một bài viết nhất định đã được xuất bản bởi chính tác giả của nó, ngăn chặn sự lan truyền của các tin tức giả mạo.
Không thể phủ nhận rằng công nghệ 4.0 đã có những tác động mang tính cách mạng đối với ngành công nghiệp báo chí. Tuy nhiên, công nghệ vẫn chỉ là máy móc, dù có ưu việt, hiện đại tới đâu, công nghệ vẫn chưa thể hoàn toàn thay thế nhân lực con người hay những nhà báo, phóng viên truyền thống.
Trên thực tế, trí tuệ nhân tạo hay blockchain vẫn chỉ là công cụ phụ trợ cho công việc làm báo. Bởi lẽ, chúng vẫn chưa thể tự thực hiện các công việc đòi hỏi kỹ thuật báo chí chuyên môn như điều tra, phỏng vấn, khả năng sáng tạo và thích ứng chuyên sâu của ngành báo. Đó chính là lý do vì sao công nghệ và báo chí truyền thống có mối quan hệ tương trợ mật thiết với nhau trên sự nghiệp chuyển đổi số.
Thái Hoàng (tổng hợp)