Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu Máy móc từ Đài Loan đạt 122 triệu USD, đưa Đài Loan trở thành nước nhập khẩu lớn thứ tư vào Việt Nam.

Từ máy móc và công nghệ thông minh

Trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, các công ty sản xuất buộc phải “chuyển mình” bằng cách trang bị các loại máy móc - công nghệ thông minh cho nhà máy tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức chi trả vì giá thành đắt đỏ. Trong tình cảnh đó, các loại máy móc - công nghệ thông minh đến từ Đài Loan được xem là cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp. Duy Khanh, một công ty cơ khí ở TP.HCM trải nghiệm rõ điều này.

{keywords}
Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Công ty Duy Khanh kiêm Chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM, chia sẻ tình hình ứng dụng Máy Công cụ CNC tại Việt Nam hiện nay.

“Năm 1997, chúng tôi là một trong những công ty nhập những chiếc máy CNC đầu tiên về Việt Nam và chúng tôi cũng đã chọn mua máy từ Đài Loan. Máy CNC Đài Loan chất lượng tốt mà giá cả phải chăng, mức dung sai thấp, đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng và sản xuất sản phẩm bằng nhiều chất liệu khác nhau cung ứng cho thị trường Việt Nam và quốc tế. Trong vài năm gần đây, với yêu cầu đến từ khách hàng khó tính như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, chúng tôi cũng đã mua thêm các loại máy móc của Đức và Nhật, nhưng về cơ bản, trong phân xưởng của chúng tôi, máy Đài Loan vẫn chiếm ưu thế” - ông Đỗ Phước Tống cho biết.

Theo phân tích của ông Tống, sở dĩ máy móc của Đài Loan được nhiều doanh nghiệp Việt lựa chọn là bởi nếu tính tương quan giữa chất lượng - giá cả, thì đây là phương án tối ưu hóa nhất. “Chất lượng của máy móc - công nghệ Đức/Nhật được đánh giá cao hơn Đài Loan, song giá của chúng lại đắt gấp đôi hoặc gấp ba. Trong một dây chuyền, không phải tất cả các công đoạn hoặc chi tiết điều cần sự chính xác 100%, nên ở những khâu hoặc loại sản phẩm không thế, chúng ta có thể dùng máy Đài Loan mà vẫn bảo đảm được chuẩn chất lượng đối tác đưa ra” - ông Tống nói.

{keywords}
Dây chuyền sản xuất tôn cách nhiệt tự động tại Công ty TNHH Cách âm - Cách nhiệt Phương Nam

Một doanh nghiệp khác cũng rất chuộng máy móc Đài Loan là Công ty TNHH Cách âm - Cách nhiệt Phương Nam. Dây chuyền sản xuất tôn cách nhiệt hoàn toàn tự động nói trên bao gồm hệ thống máy vận hành từ khâu đưa nguyên liệu đầu vào, dập gân, phun PU, sấy nhiệt và cắt. So với hệ thống sản xuất tôn cách nhiệt bán tự động hiện nay, thì hệ thống này tiết kiệm nhân công đáng kể, chỉ cần 1-2 thợ chính vận hành cả dây chuyền, sản phẩm có độ chính xác gần 100%, công suất đạt 16m/1 phút, sản lượng đạt 7.000m/ngày. Giảm 10 lần lượng nhân công và tăng 10 lần năng suất sản xuất.

Đến giải pháp thông minh toàn diện

Trong giai đoạn công nghiệp 4.0, Đài Loan hướng đến mục tiêu phát triển phù hợp các công nghệ cốt lõi và ứng dụng tích hợp với các xu hướng địa phương, quốc tế và tương lai. Các nhà cung cấp Đài Loan kết hợp với doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sản phẩm và dịch vụ phù hợp với thực tế, mang lại hiệu quả cao hơn, giúp doanh nghiệp quản lý được nhân công, không gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.

“Chúng tôi cung cấp đủ công cụ, công nghệ cũng như giải pháp tổng hợp để xây dựng một nhà máy thông minh hoàn chỉnh. Chúng tôi có thể xây dựng một nhà máy thông minh mới hoàn toàn hoặc cải tiến một phần nào đó trong hệ thống của nhà máy để chúng trở nên thông minh hơn, tùy theo yêu cầu của doanh nghiệp”, bà Lê Ngọc Diễm - Phó Giám đốc Công ty Công nghệ ETEC - đối tác 15 năm của hãng Delta - Đài Loan cho biết.

{keywords}
Đại diện ETEC đang giới thiệu mô hình ứng dụng công nghệ thông minh trong các nhà máy sản xuất.

Delta là một trong những tập đoàn sản xuất máy móc - thiết bị thông minh - linh kiện điện tử hàng đầu Đài Loan và thế giới. Năm 2018, doanh thu của tập đoàn này hơn 9 tỷ USD. Theo ông Vanti Fan - Giám đốc vùng và giải pháp tự động của tập đoàn điện tử Delta các dự án về sản xuất thông minh và công nghệ thông minh của Delta tại thị trường Việt Nam cho phép ghi chép tự động thông tin từ máy và từ dây chuyền sản xuất và gửi thông tin này đến cơ sở dữ liệu, thậm chí kết nối với hệ thống máy chủ… giúp nghiên cứu sâu hơn và trong tương lai cũng có thể phát triển trí tuệ nhân tạo kết hợp với giải pháp để phát triển sản phẩm nhanh hơn và có thể phản hồi đến người dùng cuối cùng một cách nhanh chóng.

Với mục tiêu không chỉ hiện đại hóa và thông minh hóa các nhà máy tại Đài Loan mà còn ở các quốc gia láng giềng lân cận khác, ở mọi phân khúc thị trường, phải tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước, quốc tế lẫn tương lai. Sự đồng hành cùng phát triển giữa Đài Loan và Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin phát huy được lợi thế của cả hai bên trong thời đại công nghiệp 4.0.

Từ ngày 2 - 5/7/2019, Triển lãm Máy móc thiết bị thường niên MTA Vietnam 2019 diễn ra tại SECC (Q.7, TP.HCM). Sự kiện do Hiệp hội Xúc tiến Thương mại Đài Loan tại TP.HCM (TAITRA) tổ chức.

Tấn Tài