Tháng 11 tới, khoảng 15.000 camera sẽ hoạt động hết công suất để giám sát người hâm mộ bóng đá hội tụ về 8 sân vận động và trên các đường phố của Doha trong thời gian diễn ra World Cup 2022 ở Qatar. Sự kiện dự kiến thu hút hơn một triệu người hâm mộ bóng đá trên toàn cầu.
“Những gì bạn thấy ở đây là tương lai của các sân vận động trong thời gian sắp tới. Một tiêu chuẩn mới, một xu hướng mới trong hoạt động tổ chức sự kiện. Đây cũng là đóng góp của chúng tôi, từ Qatar cho thế giới thể thao”, Niyas Abdulrahiman, giám đốc công nghệ của ban tổ chức tự hào nói với AFP hồi tháng 8.
Thực tế, các nhà tổ chức World Cup ở Qatar không phải là người tiên phong trong việc triển khai công nghệ sinh trắc học để theo dõi hoạt động của người hâm mộ bóng đá.
Trung tâm điều khiển và chỉ huy Aspire giám sát tất cả hoạt động cùng một lúc tại World Cup 2022. Ảnh: SuperSport. |
Công nghệ tân tiến từ cổng ra vào ở các sân bóng châu Âu
Trong những năm gần đây, các CLB bóng đá cùng những sân vận động trên khắp châu Âu đã và đang giới thiệu công nghệ giám sát an ninh này. Phổ biến nhất và đang được triển khai nhiều nhất là nhận diện khuôn mặt.
Từ năm 2019, sân Brondby ở Đan Mạch đã sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để xác minh vé vào sân.
Tại Hà Lan, NHM phải quét sinh trắc học để vào sân Goffert của CLB NEC Nijmegen. Trong khi đó, CLB Metz của Pháp đã thử nghiệm thiết bị nhận dạng khuôn mặt để xác định những NHM quá khích bị cấm đến sân Saint-Symphorien.
Manchester City được cho là đã thuê công ty Blink Identity có trụ sở tại Texas vào năm 2019 để triển khai hệ thống nhận dạng khuôn mặt tại sân Etihad. Cụ thể, nếu một người hâm mộ nào đó được nhận diện rằng đã mua vé, hệ thống sẽ bật đèn xanh để cho phép họ tiến vào sân. Ngược lại, đèn sẽ báo màu vàng và cá nhân đó sẽ không được bước qua cổng.
Từ năm 2019, sân Brondby ở Đan Mạch đã sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để xác minh vé vào sân. Ảnh: i-PRO. |
Ở La Liga, CLB Osasuna cũng sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để theo dõi và kiểm soát ra vào sân vận động El Sadar. Trong khi đó, CLB Valencia đã ký hợp đồng vào tháng 6/2021 với công ty sinh trắc học FacePhi để thiết kế và triển khai công nghệ nhận dạng khuôn mặt tại sân Mestalla trong mùa giải tới.
Blink Identity cho biết thêm công nghệ của họ hoàn toàn có thể xác định những người hâm mộ tiến vào sân ở một tốc độ bình thường. Vì vậy, họ sẽ không cần phải đi chậm lại để hệ thống quét khuôn mặt.
Vẫn còn nhiều sai sót
Dù áp dụng công nghệ tiên tiến nhưng vẫn có nhiều trường hợp nhận diện khuôn mặt hoạt động không như ý muốn.
Năm 2017, công nghệ quét khuôn mặt đã xác định nhầm hơn 2.000 người có thể là tội phạm tại trận chung kết Champions League 2017 ở Cardiff, Vương quốc Anh. Hệ thống lập tức bị đình chỉ sau quyết định của tòa án, và chỉ được triển khai lại vào đầu năm nay.
Năm 2019, CLB Den Bosch sử dụng camera thông minh ở cửa ra vào đã xác định sai và cấm một fan 20 tuổi. Nguyên nhân bởi hệ thống cho rằng anh đã va chạm thô bạo với một nhóm NHM khác và đi vào khu vực cấm.
Công nghệ sinh trắc học bằng khuôn mặt vẫn còn nhiều thiếu sót về khả năng nhận diện. Ảnh: Analytics India Magazine. |
“Trong trường hợp nhận dạng nhầm này, công nghệ nhận dạng khuôn mặt đã khiến một người vô tội bị cấm đến sân ủng hộ đội bóng mình yêu thích và thậm chí còn bị phạt tiền. Có rất ít bằng chứng đáng tin cậy cho thấy ngay cả các hệ thống CCTV có thể làm giảm nguy cơ phạm tội. Thay vào đó, chúng tạo ra vẻ ngoài an toàn mà thường không mang lại lợi ích hữu hình”, Ella Jakubowska, cố vấn chính sách cấp cao của tổ chức phi lợi nhuận European Digital Rights giải thích.
Một cách từ từ nhưng ổn định, các hệ thống công nghệ sinh trắc học đã trở thành một tiêu chuẩn mới cho cơ sở hạ tầng các sân bóng, trong đó “an toàn hóa sức khỏe” được đưa vào hệ thống tiếp thị và an toàn công cộng.
“Công nghệ này đại diện cho 3 trường hợp liên kết với nhau cho các công nghệ giám sát sân vận động. Chúng được sử dụng thay thế cho nhau và đôi khi là đồng thời nữa. An toàn công cộng là lý do lâu dài cho sự phổ biến của hệ thống giám sát sinh trắc học. NHM sẽ được trải nghiệm từ việc di chuyển dễ dàng trong, ngoài sân vận động đến giảm thiểu thời gian xếp hàng ở nhà vệ sinh và khu vực đồ ăn thức uống", Brett Hutchins, giáo sư truyền thông tại Đại học Monash cho biết.
Công nghệ sinh trắc học giúp nâng cao trải nghiệm cho NHM, nhưng lại tiềm ẩn rủi ro bảo mật và nhận diện sai. Ảnh: AAPImage. |
Ông Hutchins, đồng tác giả của một bài báo nghiên cứu về các sân vận động và bình thường hóa giám sát sinh trắc học, giải thích việc triển khai các hệ thống như vậy là tất yếu: “Ý tưởng triển khai các công nghệ và cơ sở hạ tầng như vậy là không thể tránh khỏi để nâng cao trải nghiệm vào sân".
Tuy nhiên, các nhà lập pháp châu Âu lại nghĩ khác về giám sát sinh trắc học. Tháng 4/2021, Ủy ban châu Âu (EU) đã đệ trình đề xuất về một khung quy định cho trí tuệ nhân tạo. Hiện tại, Nghị viện châu Âu tiếp tục ủng hộ và đưa ra ý kiến về đề xuất, trong khi Hội đồng châu Âu sẽ thảo luận về hồ sơ này vào đầu tháng 12 tới.
Mặc dù vẫn chưa có cuộc bỏ phiếu cuối cùng, nhưng các thành viên của Nghị viện Châu Âu được cho là đã ngầm ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn đối với nhận dạng sinh trắc học từ xa trong các không gian công cộng. Các tổ chức công và tư nhiều có khả năng sẽ phải tuân thủ quan điểm cuối cùng đó.
(Theo Zing)