Tại Việt Nam, máy tính đã hiện diện một cách hết sức phổ biến, Internet cũng có lịch sử trên 25 năm. Công nghệ thông tin (CNTT) đã tác động đến đất nước trên mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là giáo dục.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, ngành GD-ĐT cũng đang hướng tới xu thế giáo dục 4.0. Trong đó, vai trò của ứng dụng CNTT được xác định là vô cùng quan trọng.
Thời gian qua, việc ứng dụng CNTT đã giúp ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nâng cao hiệu quả quản lý và đổi mới chất lượng dạy và học. Có thể nói, nhờ có CNTT diện mạo ngành GD-ĐT đã thay đổi từng ngày, từng giờ tuy nhiên cần nhiều thay đổi để đạt được hiệu quả lớn hơn.
Tăng cường năng lực tự học
Khi máy tính và Internet trở nên phổ biến, đa số sinh viên đều không thể thiếu máy tính xách tay. Thay vì tốn quá nhiều thời gian lên lớp để nghe giảng bài, các trường đại học có thể đưa giáo trình lên mạng và để sinh viên tự học.
Việc này thực hiện một cách giản tiện hơn là chỉ cần dạy và học một thời lượng ngắn để nhập môn với một số môn nhất định.
Sau đó, sinh viên tự học với các giáo trình đã được đưa lên mạng. Sau một khoảng thời gian nhất định, các trường sẽ cần giảng viên lên lớp một lần nữa để giảng dạy mang tính tổng kết tiếp đó, sinh viên có thể tham gia thi đánh giá kết quả môn học.
Khi đã rút ngắn được chương trình đào tạo bằng phương thức tăng cường tự học, chúng ta có thể nghĩ đến việc bổ sung các môn học mới cần thiết trong thời đại 4.0.
Hiện, tại nhiều trường đại học, sinh viên phải lên lớp nghe giảng 2 buổi/ngày. Như vậy không còn thời gian để bộ não được nghỉ ngơi hay có cơ hội tìm hiểu thực tế liên quan đến ngành học. Các sinh viên cũng trở nên bị động trong việc tiếp thu kiến thức, mất đi khả năng tự học, tìm tòi.
Thực tế này không dễ thay đổi bởi tuy rằng máy tính và Internet đã hiện diện khắp nơi nhưng chúng ta chưa hình thành được mô hình giáo dục thông minh – yếu tố mang tính chất quyết định cho năng lực tự học với đông đảo sinh viên. Do đó, muốn làm được việc này, chúng ta cần nhiều giải pháp thiết thực.
Nhiều người cho rằng giáo dục đại học là biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Điều căn bản làm nên điểm khác biệt giữa sinh viên và học sinh phổ thông chính là năng lực tự học.
Sinh viên ngày nay có rất nhiều lợi thế so với các thế hệ đi trước do máy tính và Internet đã trở nên rất phổ biến. Giáo dục trực tuyến những năm gần đây đã không còn xa lạ.
Nhiều trí thức trẻ từng rất thành công trong việc mở lớp dạy học qua mạng về những kiến thức còn khuyết thiếu trong nhà trường. Thậm chí, có những người đạt các mức thu nhập không hề nhỏ với đông đảo học viên chỉ gặp nhau trên mạng và trả học phí qua tài khoản.
Tuy nhiên, thực tế điều này chưa đạt được như kỳ vọng khi số đông sinh viên chỉ thực sự học vào lúc sắp diễn ra các kỳ thi và khả năng tự học, tìm tòi còn nhiều hạn chế.
Giải pháp nào cho mô hình giáo dục thông minh?
Tăng cường, tận dụng CNTT trong dạy và học ở bậc đại học nói riêng và giáo dục nói chung vô cùng quan trọng. Muốn vậy mô hình giáo dục thông minh phải được hình thành trên cơ sở triển khai cơ sở dữ liệu kết nối liên thông dữ liệu, dạy học trực tuyến, quản lý điều hành điện tử...
Để làm được điều đó, yếu tố con người và vấn đề nhận thức, năng lực vô cùng quan trọng. Có hiểu đúng về chuyển đổi số và mức độ cấp thiết mới tích cực tự học, tham gia tập huấn và triển khai thực tế. Chuyển đổi số là đưa những thực thể lên môi trường số, không còn giới hạn về không gian, thời gian, số người sử dụng, số lần sử dụng.
Điều quan trọng là phải lấy lợi ích của người học, người thầy làm hàng đầu và đem đến những trải nghiệm để họ thấy được lợi ích của chuyển đổi số.
Thông tin và học liệu số không những tiện lợi, có thể sử dụng mọi nơi, mọi lúc mà còn đưa lại hiệu quả to lớn cho người dùng. Công tác quản lý, dạy học cũng được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, giảm trung gian.
Về phương hướng, cơ sở dữ liệu là quan trọng nhất với chuyển đổi số. Về học liệu, cần xây dựng nền tảng, kho học liệu số quốc gia. Cụ thể chúng ta cần xây dựng một phần hệ thống bài giảng, bài học, tài liệu tham khảo, trước hết phục vụ sinh viên tự học, giảng viên tham khảo; sau đó từng bước mở rộng và hoàn thiện.
Đức Hoàng