Hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước, bắt kịp xu thế phát triển hoạt động du lịch thông minh, UBND tỉnh Thanh Hoá đã sớm ban hành Kế hoạch số 115-KH/UBND về việc “Triển khai thực hiện Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh”.
Theo đó, đến năm 2025, tỉnh sẽ phát triển các ứng dụng trên thiết bị di dộng cung cấp cho khách du lịch tại các khu du lịch trọng điểm, trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch tự động.
100% các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh được lắp dựng hệ thống mạng Internet không dây công cộng phục vụ khách du lịch. 100% máy tra cứu thông tin du lịch và dịch vụ được lắp tại các khu vực Cảng hàng không Thọ Xuân, Ga Thanh Hóa, Cửa khẩu quốc tế Na Mèo và các khu du lịch trọng điểm.
Là khu du lịch biển trọng điểm của tỉnh, đến nay, TP Sầm Sơn đã đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành đô thị thông minh, trong đó triển khai hệ thống tiện ích phục vụ du khách (SMS Welcome - tin nhắn chào mừng), hệ thống cổng thông tin du lịch và hệ thống phản ánh hiện trường.
Đáng chú ý, đối với hệ thống phản ánh hiện trường Sầm Sơn, du khách sử dụng điện thoại thông minh tải ứng dụng PAHT Sam Son, được tích hợp nhiều tiện ích như: phản ánh hiện trường, bản đồ phản ánh, thông tin cảnh báo, clip tuyên truyền, ứng cứu khẩn cấp, góp ý về trung tâm điều hành, dịch vụ taxi, hỗ trợ khẩn cấp, tờ khai y tế... đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết cho chuyến du lịch của du khách.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã triển khai hệ thống 140 camera giám sát toàn thành phố, trong đó có 40 camera được lắp đặt trên trục đường Hồ Xuân Hương và 4 camera 360 độ giám sát toàn bộ bãi biển.
Từ khi đưa vào vận hành hệ thống camera giám sát đến nay, Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP Sầm Sơn đã tiếp nhận, xử lý kịp thời các trường hợp đậu, đỗ xe sai quy định, bán hàng rong, chèo kéo du khách... thông qua ứng dụng PAHT Sầm Sơn.
Ngoài TP Sầm Sơn thì Di sản Thành nhà Hồ có thể xem là một điển hình về ứng dụng công nghệ trong quảng bá du lịch.
Hiện tại đây đã xây dựng được một website khá đẹp về hình thức, phong phú về nội dung. Đặc biệt, một điểm nhấn ấn tượng của website này là đã xây dựng được không gian “tham quan 360” vô cùng ấn tượng, hiện đại và bắt mắt. Chỉ cần một cái nhấp chuột trên màn hình máy tính, cả một không gian di sản rộng lớn hiện ra trước mắt du khách.
Sau khi tìm hiểu toàn cảnh tòa thành và toàn bộ khu vực tòa thành tọa lạc, du khách có thể chọn tham quan thêm các điểm di tích nội thành, hay di tích phụ cận. Khi chọn bất kỳ điểm di tích nào được hiển thị trên màn hình, chẳng hạn cổng Nam, cổng Bắc, hào thành, tường thành... du khách sẽ ngay lập tức được chuyển không gian đến điểm di tích đó.
Cùng với việc sử dụng chuột di chuyển 360 độ để tham quan tất cả các góc, các cảnh... du khách còn được nghe bài thuyết minh súc tích, dễ hiểu bằng giọng đọc khá chuẩn của thuyết minh viên. Có thể nói, việc vận dụng công nghệ hiện đại trong quảng bá hình ảnh, đang là cách giúp Thành nhà Hồ đến gần hơn với du khách.
Ứng dụng công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm
Quyết định số 1685/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” đã nhấn mạnh: Việc ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong phát triển du lịch thông minh là nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, cần sử dụng hiệu quả nguồn lực khoa học công nghệ, thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý Nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến, quản lý doanh nghiệp, cung cấp thông tin và giá trị trải nghiệm phục vụ khách du lịch.
Từ định hướng trên, đồng thời xác định rõ vai trò quan trọng của công nghệ đối với sự phát triển ngành du lịch, trong vài năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch và nhất là phát triển du lịch thông minh.
Công tác truyền thông trên nền tảng số được đẩy mạnh, chú trọng đến truyền thông tương tác, công nghệ thực tế ảo. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch Thanh Hóa đã và đang hướng đến xây dựng thương hiệu du lịch điểm đến quốc gia, thương hiệu điểm đến vùng và địa phương; thương hiệu sản phẩm du lịch. Đồng thời đã định hướng cho doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch của riêng mình.
Đặc biệt, ngành du lịch đã tích cực triển khai chương trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển du lịch. Theo đó, đến năm 2022 đã triển khai việc số hóa và đưa vào sử dụng ứng dụng du lịch thông minh Smart Travel tại 8 khu, điểm du lịch gồm Lam Kinh, Thành nhà Hồ, Am Tiên, Pù Luông, bản Mạ, thác Mây, đền Sòng, đền Cửa Đạt, nhằm hỗ trợ quảng bá, giúp khách du lịch tìm hiểu và trải nghiệm các điểm đến; triển khai thực hiện quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok.
Ngoài ra, toàn tỉnh đã triển khai số hóa được 71 khu, điểm du lịch và 25 cơ sở lưu trú du lịch lên phần mềm ứng dụng quản lý khai thác và cơ sở dữ liệu du lịch tỉnh Thanh Hóa (truy cập trực tuyến tại đường dẫn http://csdl.thanhhoa.travel); Đã đăng được 510 tin, bài ảnh quảng bá về du lịch Thanh Hóa trên website du lịch tỉnh Thanh Hóa (trực tuyến tại đường dẫn http://thanhhoa.travel).
Thực hiện Dự án Xây dựng Cổng thông tin điện tử về du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tại tỉnh Thanh Hóa; thực hiện Dự án Duy trì hoạt động hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý các hoạt động du lịch tỉnh Thanh Hóa. Hướng dẫn, tuyên truyền các doanh nghiệp du lịch ứng dụng nền tảng công nghệ số trong kinh doanh như triển khai trực tuyến các hoạt động marketing, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, tư vấn, chăm sóc khách hàng trực tuyến...