Vừa qua, Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai khai trương phòng can thiệp tim mạch thứ 6. Đây là phòng can thiệp thứ 2 Viện xây dựng với trang thiết bị và cố vấn kỹ thuật từ GE Healthcare. Ông Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc GE Việt Nam kiêm Giám đốc điều hành bộ phận GE Healthcare Việt Nam chia sẻ về phòng can thiệp mới và những đóng góp cho việc cải thiện công tác khám chữa bệnh tim mạch.
Tăng chất lượng lẫn “tốc độ” khám chữa bệnh
- Được biết, phòng can thiệp tim mạch mới khai trương là phòng thứ hai của GE Healthcare tại Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai. Sau thời gian vận hành phòng can thiệp thứ nhất, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả và đóng góp của phòng vào công tác khám chữa bệnh của bệnh viện?
Năm 2018, GE Healthcare khai trương phòng can thiệp tim mạch đầu tiên tại Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai. Với phòng can thiệp này, chúng tôi hỗ trợ khách hàng chuẩn bị mặt bằng cho phòng can thiệp tim mạch, quản lý việc lắp đặt trong cả dự án và đào tạo các kỹ thuật viên trong phòng để đảm bảo họ biết cách sử dụng hệ thống. Trước đó, bệnh viện đã sở hữu 4 phòng can thiệp.
Tuy nhiên, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối nên thường rơi vào tình trạng quá tải. Thống kê của bệnh viện cho thấy số lượng bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật tim mạch can thiệp tại Viện Tim mạch ngày càng tăng với tốc độ tăng trung bình 15%/năm. Phòng can thiệp tim mạch mới của Viện Tim mạch Việt Nam với thiết bị của GE Healthcare góp phần nâng cao tốc độ khám chữa bệnh đáng kể với năng suất khoảng hơn 10 ca mỗi ngày và năng suất này vẫn đang được duy trì đến nay.
- Xin ông chia sẻ thêm về các thiết bị được trang bị cho phòng can thiệp thứ 2 này và lợi ích mà chúng có thể mang lại?
Về công nghệ nổi bật của phòng can thiệp tim mạch, có thể kể đến chẩn đoán hình ảnh như siêu âm tim gắng sức, hoặc chụp chẩn đoán mạch vành, buồng tim bằng máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA).
GE Healthcare tiếp tục nỗ lực cải tiến thiết bị để giúp các bác sĩ lâm sàng tận dụng công nghệ nhằm cải thiện hiệu quả chăm sóc bệnh nhân. Ví dụ, chúng tôi có các phòng can thiệp tim mạch có phần mềm ghi nhớ có thể ghi nhớ cách cài đặt thiết bị cho từng bệnh nhân, cho phép bác sĩ lâm sàng thực hiện công việc của họ một cách hiệu quả. Nhờ đó, hệ thống máy này sẽ vừa giúp chẩn đoán và giải quyết được ngày càng tốt hơn những bệnh lý phức tạp, vừa tăng độ an toàn cho bệnh nhân và bác sỹ, đồng thời tăng tốc khám chữa bệnh, giảm quá tải. Hơn nữa, có thêm nhiều máy công nghệ cao cũng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều cơ hội thực hành và đào tạo kỹ năng, nâng cao chuyên môn cho các bác sỹ.
Tiết kiệm chi phí
- Thiết bị này thuộc phân khúc nào - cao cấp, trung cấp hay cơ sở? Theo ông, việc ứng dụng công nghệ cao này ảnh hưởng thế nào đến chi phí khám chữa bệnh mà bệnh nhân phải chi trả?
Phòng can thiệp tim mạch là một căn phòng có sử dụng các thiết bị công nghệ cao cấp tại các bệnh viện tuyến trên. Trong khi nhu cầu đầu tư cho các thiết cho hệ thống ngày càng nhiều hơn, sự cải thiện trong chẩn đoán và điều trị sẽ cho phép bệnh viện phục vụ nhiều bệnh nhân hơn và tiết kiệm hơn. Ngoài ra, một số thủ tục của phòng can thiệp tim mạch nằm trong danh mục được bảo hiểm chi trả.
- GE Healthcare đã có bao nhiêu phòng can thiệp tim mạch tại Việt Nam thưa ông? Các công nghệ nào đang được sử dụng tại các phòng này?
Hiện tại GE Healthcare có 120 phòng can thiệp tim mạch trên khắp Việt Nam, trong đó có 105 phòng tại các bệnh viện công và 15 phòng tại bệnh viện tư nhân. Các công nghệ mà GE Healthcare cung cấp tại đây tập trung các ứng dụng có liều thấp, chất lượng hình ảnh cao và tiên tiến và hỗ trợ cho bác sĩ và bệnh nhân.
- GE Heathcare làm thế nào để hỗ trợ Viện Tim mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai phát triển năng lực y tế nói riêng và cho ngành tim mạch của Việt Nam nói chung?
Ngoài việc cung cấp thiết bị, chúng tôi thường xuyên phối hợp với Viện để tổ chức các buổi hội thảo chuyên ngành với các chuyên gia trong và ngoài nước để cập nhật các xu hướng, công nghệ và kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch.
Ngoài ra, vào năm 2015, GE Healthcare và Viện đã ký kết biên bản ghi nhớ về chương trình đào tạo với mục tiêu nâng cấp khả năng kết nối quản lý người bệnh và ra quyết định lâm sàng. Trong đó, có thể kể đến hệ thống theo dõi bệnh nhân của GE Healthcare đã được dùng để đào tạo bác sỹ lâm sàng, giúp tối ưu hóa việc theo dõi và chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt là ở các khoa cấp cứu và chăm sóc tăng cường.
Với mối hợp tác lâu dài này với Viện Tim mạch Việt Nam, chúng tôi hi vọng sẽ đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển công nghệ và năng lực y tế, hướng tới giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh tim mạch cho người Việt. Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong tại Việt Nam và trên toàn cầu; trên thực tế, cứ ba ca tử vong thì có một ca do bệnh tim mạch.
- Xin cảm ơn ông!
Thiên Thư