Các nhà nghiên cứu từ đại học Monash của Australia vừa công bố họ đã phát triển thành công một loại pin lithium-sulfur mới. Nó có thể cung cấp năng lượng cho một chiếc xe điện chạy được hơn 1.000 km hoặc sử dụng smartphone trong 5 ngày với chỉ một lần sạc.
Theo Engadget, các nhà nghiên cứu đã sử dụng những vật liệu tương tự vật liệu cấu thành ra pin lithium-ion tiêu chuẩn. Tuy nhiên, họ đã thay đổi thiết kế của catot lưu huỳnh, giúp pin lithium-sulfur có thể chịu được tải trọng cao hơn mà không làm giảm hiệu suất hoặc công suất.
Dự kiến, pin lithium-sulfur sẽ được thử nghiệm vào cuối năm nay. |
Bên cạnh đó, loại pin này cũng có ưu điểm là chi phí sản xuất rẻ hơn và thân thiện với môi trường hơn so với pin lithium-ion.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu đã nộp bằng sáng chế cho quy trình sản xuất loại pin này tại một trung tâm nghiên cứu phát triển ở Đức. Dự kiến, pin lithium-sulfur sẽ được thử nghiệm trên ôtô và hệ thống điện năng lượng Mặt Trời vào cuối năm nay.
Bên cạnh pin lithium-sulfur, một công nghệ khác cũng được kỳ vọng sẽ thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp di động là pin graphene.
Những thông tin rò rỉ trước đây cho biết công nghệ pin graphene sẽ giúp tăng dung lượng lớn hơn 45% so với pin Lithium-ion nhưng kích thước không đổi. Điều này sẽ cho phép các nhà sản xuất thiết bị tạo ra những chiếc điện thoại mỏng hơn hoặc có thời gian sử dụng pin lâu hơn.
Ngoài ra, loại pin này cũng có thể sạc đầy trong 12 phút mà không gây ra hiện tượng quá nhiệt hoặc ảnh hưởng đến tuổi thọ của pin. Loại pin mới cũng được kỳ vọng sẽ hạn chế được tình trạng bị chai theo thời gian.