Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holding cho biết đã ra mắt công nghệ truyền dẫn dựa trên nền tảng đám mây, cho phép các đài truyền hình phát trực tiếp (live-stream) các môn thi đấu thuộc Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022 tới người xem trên toàn thế giới.

{keywords}

Được cung cấp bởi Alibaba Cloud, hệ thống truyền dẫn mới có tên Live Cloud đang được Dịch vụ truyền hình Olympic (OBS), sử dụng như một dịch vụ tiêu chuẩn cho các nhà đài được cấp phép. OBS được thành lập bởi IOC vào năm 2001, có vai trò là đài truyền hình đăng cai tất cả các sự kiện thể thao Olympic.

Theo tập đoàn Alibaba, Live Cloud chỉ tốn “chi phí bằng một phần nhỏ so với các phương thức truyền dẫn khác” do các đài phát sóng nhận hình ảnh trực tiếp thông qua cơ sở hạ tầng đám mây công cộng.

Tới nay, OBS chưa cho biết liệu quá trình sử dụng hệ thống mới này có phát sinh thêm chi phí gì hay không.

Live Cloud được tích hợp hệ thống gồm nhiều camera cho phép ghi hình và phát lại các chuyển động chậm ở khung hình cố định. Hiện đã có 20 đơn vị truyền hình nhận các tín hiệu có độ phân giải cao và cực cao thông qua công nghệ truyền dẫn này.

Không chỉ vậy, các cảnh quay trực tiếp và đa góc trong các môn thi đấu uốn lượn như trượt băng tốc độ đều được xử lý biên tập theo thời gian thực.

OBS kỳ vọng có thể tạo ra hơn 6.000 giờ nội dung trong kỳ thế vận hội mùa đông năm nay, gồm 900 giờ phát sóng trực tiếp các môn thi đấu và các sự kiện có liên quan như lễ khai mạc và bế mạc.

Sotiris Salamouris, Giám đốc kỹ thuật OBS cho biết, Live Cloud đã trải qua quá trình “chạy thử” thành công với một nhà đài tiếp sóng vào kỳ Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 vào năm ngoái.

Giải pháp trong thời kỳ đại dịch

Dịch vụ điện toán đám mây cho phép các công ty mua, bán, cho thuê hoặc phân phối qua Internet nhiều loại phần mềm và tài nguyên kỹ thuật số như dịch vụ theo yêu cầu, giống như nhận điện từ mạng lưới điện chung.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục làm ảnh hưởng tới việc dịch chuyển quốc tế, các nhà đài đã gặp khó khăn trong việc đưa chuyên gia kỹ thuật sang trực tiếp thiết lập đường truyền dẫn chuyên dụng tại các địa điểm tổ chức thi đấu Olympic.

“Với việc sử dụng công nghệ đám mây, nhà đài giờ đây có thể bao quát được các sự kiện thông qua sử dụng nhân công từ xa”, Salamouris nói.

Công nghệ truyền dẫn mới đã củng cố thêm vai trò nhà tài trợ chính cho Thế vận hội Olympic của Alibaba theo thoả thuận với IOC, có hiệu lực tới năm 2028. Công ty công nghệ của Trung Quốc trở thành đối tác của IOC từ năm 2017, cam kết đóng góp cơ sở hạ tầng và dịch vụ điện toán đám mây, bao gồm cả hỗ trợ các yêu cầu phân tích dữ liệu.

Theo hãng nghiên cứu Canalys, Alibaba đang dẫn đầu thị phần cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây tại Trung Quốc với 38,3% tính tới thời điểm Quý III/2021. Xếp ngay sau đó là các đơn vị đám mây của tập đoàn Huawei và Tencent với thị phần lần lượt là 17% và 16,6%.

Vinh Ngô (theo SCMP)

 

‘Đám mây’ đưa Olympic Bắc Kinh 2022 đến gần khán giả hơn

‘Đám mây’ đưa Olympic Bắc Kinh 2022 đến gần khán giả hơn

Trước những hạn chế do dịch Covid-19 và khoảng cách địa lý, Thế vận hội Bắc Kinh 2022 đã sử dụng nhiều công nghệ, trong đó có ‘đám mây’, để đưa mọi người đến gần nhau hơn.