Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Tọa đàm sáng 16/5/2019. |
Sáng 16/5/2019 tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã chủ trì tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy bưu chính phát triển bền vững: Khó khăn, vướng mắc và giải pháp”. Thứ trưởng Bộ TT&TT đã tới dự và chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, ngành bưu chính chuyển đã, đang và tích cực chuyển dịch để trở thành ngành hạ tầng quan trong của nền kinh tế. Nếu so sánh với ngành kinh tế khác nhiều người cho rằng bưu chính năng suất lao động thấp, giá trị thấp nên vai trò không quan trọng, nhưng thực tế bưu chính chuyển phát đang len lỏi hiện diện hàng ngày vào trong đời sống xã hội, đang trở thành dịch vụ thiết yếu trong thời đại công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, sự phát triển nhanh của công nghệ đã và sẽ mang lại cơ hội rất lớn cho ngành bưu chính, chuyển phát.
Công nghệ đã tác động rất lớn đến ngành bưu chính, chuyển phát, ngành bưu chính không còn là ngành được coi là đơn bị độc lập và chuyên biệt như ngày xưa nữa. Ranh giới giữa bưu chính truyền thống và các ngành nghề dịch vụ mới đã bị xóa nhòa ranh giới cứng của ngành bưu chính truyền thống. Bưu chính hiện giờ cũng giống như viễn thông, ranh giới dịch vụ viễn thông bị xóa nhòa bởi sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng chỉ ra ba thách thức lớn nhất của ngành bưu chính truyền thống hiện nay. Theo đó, thách thức lớn nhất là năng suất lao động thấp. Thứ hai là cạnh tranh vô cùng khốc liệt cả về dịch vụ quốc tế lẫn trong nước. Thứ ba các quy định về ngành nghề quản lý đối với dịch vụ bưu chính không được chặt chẽ như các ngành nghề khác, đó vừa là cơ hội và cũng vừa là thách thức đối với bưu chính.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng dẫn chứng hai ví dụ mà rõ nét về thách thức lớn nhất của ngành bưu chính truyền thống. Thị trường bưu chính chất lượng cao thì các doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp lớn đa quốc gia như DHL hay UPS, bởi họ là những công ty khổng lồ đầu tư trang bị thiết bị rất lớn, ứng dụng công nghệ cao, trong bối cảnh Việt Nam đã có các cam kết quốc tế để hội nhập nên các doanh ngiệp trong nước không thể cạnh tranh. Ở mức độ các dịch vụ chất lượng thấp hơn ở trong nước thì cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Việc cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa quá dễ dàng, 1 công ty gia đình cũng có thể làm được chuyển phát, do chính sách của nhà nước không có nhiều cam kết ràng buộc với nhà cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp được tự do thoải mái cung cấp dịch vụ. Vậy câu hỏi đặt ra là các công ty bưu chính chuyển phát được cấp phép còn “cửa” nào để kinh doanh nữa?
Một thách thức lớn nữa là sự phát triển bùng nổ của công nghệ, ứng dụng công nghệ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giao nhận hàng hóa dựa vào nền tảng công nghệ mới phát triển. Ví dụ rõ nét nhất là dịch vụ Grab chẳng hạn, hiện Grab đã nhanh chóng phát triển một hệ sinh thái, Grab chuyển thức ăn, giao hàng hóa cạnh tranh rất khốc liệt với bưu chính.
Về mặt pháp lý đang có sự xung đột giữa cái mới và cái cũ mà ví dụ rõ nét nhất là chính sách quản lý trong ngành giao thông vận tải. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng một Nghị định về quản lý dịch vụ taxi, trong đó có đề cập đến chính sách quản lý để giải quyết mâu thuẫn giữa dịch vụ taxi công nghệ như Grab và taxi truyền thống. Hiện nay phương án giải quyết mâu thuẫn cũng chưa rõ ràng, để làm sao đảm bảo hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp taxi truyền thống, vừa đảm bảo không ngăn cản công nghệ mới phát triển.
“Trong ngành bưu chính cũng vậy rồi cũng đến lúc bưu chính cũng như ngành giao thông thôi, cần phải tìm một giải pháp cho bưu chính truyền thống phát triển, vừa đảm bảo cho công nghệ mới được ứng dụng vào ngành bưu chính chuyển phát”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nói.
Theo đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử, bưu chính hiện không chỉ phát thư báo mà đang dần trở thành một ngành hạ tầng Logistic, chuyển phát hàng cho thương mại điện tử, tham gia vào chuỗi phát triển mua sắm trực tuyến, đặc biệt là mua sắm xuyên biên giới sẽ tạo ra nhu cầu chuyển phát những gói hàng nhỏ, lẻ từ nước ngoài vào Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm đã thảo luận về vai trò của thương mại điện tử trong cung ứng dịch vụ bưu chính, sự tham gia của doanh nghiệp bưu chính vào chuỗi cung ứng thương mại điện tử, vai trò của hiệp hội trong việc bảo vệ quyền lợi, kết nối và dẫn dắt doanh nghiệp. Đại diện các đơn vị như trung tâm chứng thực điện tử quốc gia chia sẻ về chữ ký số, chữ ký điện tử. Đại diện Tổng cục Thuế chia sẻ về việc ứng dụng hóa đơn điện tử, đại diện Tổng cục Quản lý Thị trường chia sẻ về việc kiểm tra hàng hóa trên đường vận chuyển.
Tại buổi Tọa đàm Vụ Bưu chính (Bộ TT&TT) đã triển khai lấy ý kiến các doanh nghiệp về việc vận động thành lập Hiệp hội doanh nghiệp bưu chính Việt Nam.