EMC là hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ chính phủ số do Bộ TT&TT xây dựng và vận hành.

Cục Chuyển đổi số quốc gia được giao là đơn vị đầu mối cung cấp tài khoản hệ thống EMC và thực hiện đối soát, cập nhật dữ liệu.

Hệ thống EMC thu thập số liệu từ các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh. Hiện nay, hầu hết các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ và tỉnh đã kết nối, gửi tự động dữ liệu theo thời gian thực về hệ thống EMC.

W-Da Nang dich vu cong 1 2.jpg
Đứng thứ 2 ở khối địa phương, Đà Nẵng cũng có tên trong 8 cơ quan, đơn vị có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình cao. Ảnh minh họa: N.Q

Số liệu Bộ TT&TT công bố công khai trên Cổng thông tin chuyển đổi số quốc gia tại địa chỉ dx.gov.vn cho thấy, về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của bộ, ngành, địa phương được hệ thống EMC đo từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/12/2024, cả nước có 8 cơ quan, địa phương có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên 50%. Đó là: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ LĐTB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Hà Nam, Đà Nẵng, Hà Giang và Nam Định.

Đáng chú ý, 3 bộ: Công Thương, Tài chính, Tư pháp - 3 bộ có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình cao hơn cả trong 83 bộ, ngành, địa phương có cung cấp dịch vụ công, với các tỷ lệ đạt được trong năm 2024 lần lượt là 83,49; 78,44% và 77,66%.

Tuy nhiên, cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cũng lưu ý, số liệu của Bộ Tài chính chủ yếu là số liệu của Kho bạc nhà nước, chưa có số liệu của một số đơn vị khác thuộc bộ này như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ nhà nước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Tương tự, số liệu của Bộ Tư pháp chủ yếu là số liệu của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, chưa có số liệu của các đơn vị khác thuộc Bộ.

Ở chiều ngược lại, kết quả ghi nhận từ hệ thống EMC cũng cho thấy, có tới 15 bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình thấp dưới 10%, bao gồm: Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ KH&ĐT, Bộ VHTT&DL, Bộ Ngoại giao; Đắk Lắk, Hải Dương, TPHCM, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh và Đồng Tháp.

ho so truc tuyen toan trinh 01.jpg
Top 10 địa phương dẫn đầu về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình năm 2024. Ảnh: Cục Chuyển đổi số quốc gia.

Xét riêng từng khối bộ, ngành và khối tỉnh, thành phố, trong 63 địa phương, 10 vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình thuộc về: Hà Nam, Đà Nẵng, Hà Giang, Nam Định, Cà Mau, Điện Biên, Kiên Giang, Lào Cai, Bắc Kạn và Gia Lai, với tỷ lệ đạt được dao động từ 31,85% đến 68,54%.

Còn trong 20 bộ, ngành, 10 vị trí đầu lần lượt là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ LĐTB&XH, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ, Bộ KH&CN, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải, với tỷ lệ đạt được dao động trong khoảng từ 15,66% đến 83,49%.

W-ho so truc tuyen toan trinh 02.jpg
Top 10 bộ, ngành dẫn đầu về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình năm 2024. Ảnh: Cục Chuyển đổi số quốc gia.

Theo Bộ TT&TT, hiện tại, có 8 cơ quan, đơn vị đang không gửi dữ liệu về hệ thống EMC, gồm: Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ VHTT&DL, Bộ Nội vụ, Bộ KH&CN, Bộ Quốc phòng, và thành phố Huế.

Trong đó, thành phố Huế ngắt kết nối với hệ thống EMC do hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của địa phương đang tiến hành nâng cấp.

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, đại diện lãnh đạo một Sở TT&TT nhận định: Việc Bộ TT&TT thực hiện đo lường tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình bằng hệ thống kỹ thuật và công bố công khai số liệu đo sẽ tạo ra sự thi đua giữa các bộ, ngành, địa phương, từ đó thúc đẩy hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp ngày càng được cải thiện, tốt dần lên.

Bộ TT&TT cho biết, số liệu về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của các bộ, ngành, địa phương sẽ được định kỳ hàng tháng công bố tại trang dx.gov.vn.

Bộ TT&TT đề nghị các đơn vị thường xuyên theo dõi để nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; trong quá trình theo dõi nếu thấy sai khác dữ liệu có thể liên hệ đầu mối của Cục Chuyển đổi số quốc gia để đối soát, cập nhật dữ liệu đầy đủ, chính xác.

6 bài học khi làm dịch vụ công trực tuyếnĐặt mục tiêu đúng, người đứng đầu đóng vai trò quyết định, môi trường số phải dùng quy trình số, mobile hoá, các chính sách và sự hỗ trợ trực tiếp của chính quyền đến từng người dân, là 6 bài học quan trọng khi làm dịch vụ công trực tuyến.