|
Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Giang chưa công bố thông tin về đất đai. |
Việc công khai trên mạng Internet thông tin về quy hoạch đất đai ở Việt Nam đang được tiến hành ra sao, thưa ông?
Hoạt động công khai quy hoạch đất đai ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Theo Báo cáo khảo sát tình hình công khai thông tin trong quản lý đất đai do Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (Depocen) thực hiện năm 2010 thì chỉ có 51,5% báo cáo thuyết minh quy hoạch sử dụng đất, 31,8% quy hoạch đô thị, 22,7% bản đồ quy hoạch sử dụng đất, 12,1% dự thảo quy hoạch đô thị đã được phê duyệt được công khai trên mạng. Nhìn chung đến nay, loại thông tin đất đai được công khai trên mạng với mức độ cao nhất là các văn bản quy hoạch (trên 50% số lượng văn bản được công khai trên mạng), còn đối với bản đồ quy hoạch và bản đồ hiện trạng thì chỉ khoảng 20 - 30%.
|
Ông Đặng Hùng Võ |
Theo ông, đâu là nguyên nhân của hiện trạng này?
Theo tôi có 2 lý do chính. Trong đó chủ yếu là do các cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm. Để có thể công khai trên mạng thông tin về đất đai thì phải có thời gian để số hóa, lấy bản đồ số, văn bản số để đưa lên website rồi lại phải lo đầu tư máy móc, đường truyền… Thế nhưng, nhiều vị lãnh đạo vẫn có quan điểm rằng công khai hay không công khai cũng chẳng quan trọng lắm nên không quan tâm tới việc đẩy nhanh tiến độ công khai minh bạch thông tin trên mạng, nhất là những nơi cán bộ tin học không nhiều thì lại càng thể hiện rõ sự trễ nải.
Còn lý do thứ hai là một số cán bộ có ý đồ "nhập nhèm thông tin" để có thể tham nhũng. Tôi cho rằng nguyên nhân này ít hơn vì thực tế hiện nay, bản thân các quy hoạch đã rất mù mờ, có nhìn vào quy hoạch cũng chẳng biết đường nào mà lần, nhiều khi bản quy hoạch được công khai trên mạng rồi mà người dân vẫn không thể biết rõ địa điểm mình cần đầu tư ở đâu.
Đây cũng là tình trạng chung trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 30 trên phạm vi cả nước. Vẫn đang có không ít dịch vụ công trực tuyến mức 1 - 2 được cung cấp trên website, Cổng thông tin điện tử song người dân nhìn vào không hiểu được chính xác các quy trình, thủ tục cần làm, vẫn phải liên hệ với cán bộ chức năng để tiến hành thủ tục theo kiểu truyền thống.
Nhắc đến chuyện ứng dụng CNTT để giảm thiểu tham nhũng, tăng cường tính công khai minh bạch, ngành TN&MT đã rục rịch triển khai cấp sổ đỏ qua mạng nhiều năm nay song tiến độ vẫn ì ạch. Ông nghĩ gì về điều này?
Cấp sổ đỏ qua mạng là một câu chuyện phức tạp, khó có thể nhanh chóng đưa vào cuộc sống. Khi mà một cuốn sổ đỏ có thể khiến một mảnh đất đang được định giá thấp (do chưa được chứng nhận quyền sử dụng đất) bỗng dưng vọt lên mức giá cao gấp bội thì việc cấp sổ đỏ lần đầu phải được tiến hành nghiêm túc, nhất là với những trường hợp đất đai không có giấy tờ gì chứng minh quyền sử dụng. Rất nhiều trường hợp, chính quyền xã phải họp hội đồng xem có ai chứng nhận việc một ông A nào đó đúng là đã sử dụng đất từ năm đó hay không. Không dễ gì mà mọi việc đều có thể làm qua mạng được. Việc cấp sổ đỏ lần đầu qua mạng sẽ vẫn có những lực cản nhất định trong thời gian tới.
Thế còn việc đăng ký giao dịch đất đai trên mạng thì sao, liệu cũng quá khó như cấp sổ đỏ qua mạng không thưa ông?
Việc đăng ký giao dịch đất đai thì hoàn toàn có thể làm qua mạng. Bởi vì cơ quan quản lý đã nắm được hồ sơ gốc, số của sổ đỏ,… và có thể biết chính xác quyền của người đăng ký giao dịch. Đã có ý kiến xác nhận của văn phòng đăng ký rằng sổ đỏ này nghiêm chỉnh thì chỉ cần ngân hàng định giá là xong và có thể cho phép đăng ký giao dịch trên mạng. Công việc đơn giản hơn nhiều so với cấp sổ đỏ qua mạng. Thế nhưng, hiện nay hoạt động đăng ký giao dịch đất đai trên mạng vẫn đang chậm triển khai là do các cơ quan quản lý chưa đôn đốc, còn thiếu trách nhiệm trong việc nỗ lực công khai minh bạch. Đây là thiếu sót rất lớn của cơ quan quản lý mà ta có thể trách họ được.
Xin cảm ơn ông!
Ứng dụng CNTT trong ngành TN&MT: Nhiều khó khăn
Hiện vẫn còn 9 Sở TN&MT chưa có Trung tâm CNTT là đơn vị chuyên trách độc lập, vẫn lồng ghép trong tổ chức Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Trung tâm Kỹ thuật Thông tin TN&MT. Hầu hết các Sở chưa xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành Quy chế và kế hoạch thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu TN&MT. Đây là một trong những nguyên nhân gây hạn chế cho việc công khai trên mạng thông tin về đất đai. Để tăng cường tính công khai minh bạch thông tin về đất đai trên mạng Internet, Bộ TN&MT đã và đang triển khai nhiều dự án, hoạt động như: Nghiên cứu xây dựng mô hình cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai cấp huyện tại các một số địa phương như Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Tĩnh,.. làm cơ sở cho việc xây dựng một hệ thống CSDL đất đai thống nhất từ cấp Trung ương đến địa phương. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện những đề tài Nghiên cứu giải pháp, công nghệ ứng dụng cho quản lý và cấp các giấy phép trong ngành TN&MT qua mạng Internet và Nghiên cứu giải pháp, công nghệ và ứng dụng cho đồng bộ dữ liệu lĩnh vực đất đai.
Gần đây, khá nhiều vụ làm giả “sổ đỏ” (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) để chiếm đoạt tiền tỷ đã bị phát hiện, gây bất bình trong dư luận. Một trong những nguyên nhân của hiện tượng này là chưa có cơ sở dữ liệu (CSDL) chuẩn để hỗ trợ công tác quản lý, kiểm soát các hành vi gian lận, lừa đảo. Nếu có CSDL sổ đỏ thì hoàn toàn có thể kiểm tra, ngăn chặn được hành vi giả mạo. Với những dữ liệu số hóa được nhập vào CSDL, mỗi khi cần có thể nhanh chóng tra cứu, liên hệ với cơ quan cấp đăng ký để xác minh xem giấy tờ liên quan tới một lô đất, căn hộ là giả hay thật.
Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 39, 40 ra ngày 30/3/2012.