Theo bà Lưu Thị Thương, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chỉ còn 2,84%.

Để đạt được kết quả này, huyện đã thực hiện nghiêm túc quy trình rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 và Thông tư số 14/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/9/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, các xã, thị trấn đã thành lập ban chỉ đạo giảm nghèo và thực hiện việc rà soát, bình xét hộ nghèo đến các thôn, tổ chức họp dân chấm theo phiếu, sau đó báo cáo công khai. Do làm tốt quy trình, rà soát cẩn thận, điều tra kỹ để có được những thông tin trung thực, chính xác nên đến nay tại các xã, thị trấn chưa có đơn, thư khiếu kiện liên quan đến rà soát, bình xét hộ nghèo, cận nghèo.

{keywords}
Công khai, minh bạch trong rà soát, bình xét hộ nghèo, cận nghèo là mấu chốt quan trọng để góp phần làm tốt công tác giảm nghèo. 

Nhiều năm được đánh giá là đơn vị làm tốt công tác rà soát, bình xét hộ nghèo, cận nghèo của Vĩnh Lộc, hiện tỷ lệ hộ nghèo tại xã Vĩnh Yên chỉ còn 1,84%. Điều đó cho thấy công tác giảm nghèo tại đây đã thực sự hiệu quả.

Ngay sau khi huyện có kế hoạch triển khai công tác rà soát hộ nghèo, xã Vĩnh Yên đã mở hội nghị tập huấn cho các điều tra viên của các thôn và ban chỉ đạo của xã để mọi người cùng nắm được. Đồng thời phân công cho các đồng chí trong ban chỉ đạo cấp xã phụ trách từng thôn để cùng các thôn làm mẫu, vào phiếu, tham gia việc theo dõi, quá trình điều tra theo đúng quy trình.

Bà Lê Thị Thảo, cán bộ chính sách xã Vĩnh Yên cho biết, công tác rà soát ở 6/6 thôn làm rất đúng quy trình. Sau khi tổ chức họp dân, thống nhất kết quả rà soát thì đã công khai, niêm yết danh sách các hộ nghèo, cận nghèo tại nhà văn hóa các thôn trong 7 ngày. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ đó là do trình độ của các tổ viên ở thôn còn hạn chế nên việc vào mẫu, vào biểu chưa làm chuẩn, phải làm đi làm lại nhiều lần.

Tại huyện Triệu Sơn, trong quá trình rà soát, điều tra đã linh hoạt đưa ra cách làm hay để bảo đảm được sự công bằng, khách quan, nhờ đó mà nhiều hộ tưởng nghèo nhưng không nghèo.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Triệu Sơn: Cái khó ở chỗ, trong quá trình rà soát, một số gia đình không mua sắm tài sản nên nếu chấm điểm thì không vượt quá điểm chuẩn, xét vẫn là hộ nghèo. Nhưng khi chuyển sang đánh vào thu nhập thì lại vượt quá chuẩn nghèo nên hộ đó phải đồng ý, thống nhất thoát nghèo. Đơn cử như một gia đình gồm hai bố mẹ già sống với một người con. Trong nhà không có ti vi, tủ lạnh nhưng thu nhập của người con lại 4-5 triệu đồng/tháng, nếu chia thu nhập này cho 3 người thì rõ ràng không thể là hộ nghèo. Ở Triệu Sơn phải có 30 đến 50% số hộ phải chuyển sang thu nhập để đánh giá thoát nghèo.

Không chỉ dừng ở đây, nhiều xã ở Triệu Sơn cũng đã làm quyết liệt để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong rà soát, bình xét hộ nghèo khi có một số thành viên ở tổ rà soát của thôn vì nể nang mà rà soát sai đối tượng. Theo cán bộ chính sách xã Dân Lực Nguyễn Thị Nhàn: Nếu nể nang thì sẽ xảy ra trường hợp hộ đó có thể thoát nghèo nhưng vẫn là hộ nghèo như vậy đồng nghĩa với việc hưởng thụ sai chính sách của Nhà nước. Và khi phát hiện được điều này, chúng tôi đã yêu cầu rà soát, điều tra lại...

Từ công tác rà soát hộ nghèo ở 2 huyện Triệu Sơn và Vĩnh Lộc để thấy được sự công khai, minh bạch trong rà soát, bình xét hộ nghèo, cận nghèo là mấu chốt quan trọng để góp phần làm tốt công tác giảm nghèo đồng thời để những hộ nghèo theo đúng nghĩa được hưởng các quyền lợi của Nhà nước. Nếu công tác rà soát làm đúng quy trình, công tâm và trách nhiệm thì rõ ràng sẽ không chọn nhầm đối tượng.

Do đó, việc rà soát, bình xét hộ nghèo hàng năm luôn cần sự quan tâm của ban, ngành chức năng, sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, sự trung thực và đồng tình của người dân để việc rà soát, bình xét mang tính tích cực và hiệu quả hơn.

Thanh Hùng
Ảnh: Hữu Hải