Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hội đồng Giám đốc CNTT cơ quan nhà nước tại phiên họp Hội đồng Giám đốc CNTT của cơ quan nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Bắc năm 2017 được tổ chức hôm nay, ngày 14/6 tại Hà Nội.

Trong phát biểu khai mạc phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định, thời gian qua, cùng với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nỗ lực triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử và đã đạt được một số thành quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết, tháo gỡ.

Thứ trưởng đề nghị các thành viên Hội đồng Giám đốc CNTT của cơ quan nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Bắc tập trung thảo luận, những khó khăn bất cập, đề xuất những giải pháp cũng như chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của đơn vị mình để từ đó có những kiến nghị, định hướng, tham mưu cho lãnh đạo, cho các cơ quan nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT một cách hiệu quả, nâng cao chỉ số phát triển Chính phủ  điện tử  của Việt Nam.

Cụ thể, 4 nội dung được Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng lưu ý các đại biểu tham dự phiên họp chú ý gồm: tăng cường sử dụng văn bản điện tử, đặc biệt là việc sử dụng chữ ký số cho các văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước; đẩy mạnh hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thúc đẩy liên thông, kết nối các hệ thống thông tin (HTTT); và chú trọng công tác đảm bảo an toàn thông tin.

Đối với việc sử dụng văn bản điện tử, theo Thứ trưởng, hiện nay việc sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành tại nhiều nơi chưa mang lại hiệu quả cao, chủ yếu chỉ sử dụng trong việc gửi, nhận văn bản, hỗ trợ công tác văn thư. Nhằm thúc đẩy hơn nữa công tác này, Bộ TT&TT và Bộ Nội vụ  trong thời gian vừa qua đã tích cực nghiên cứu và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

Về triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Thứ trưởng cho rằng, trong thời gian qua, hoạt động phát triển dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 đã được chú trọng, tuy nhiên một số nơi mới chỉ quan tâm đến số lượng của các dịch vụ công chứ chưa thực sự quan tâm tới hiệu quả sử dụng thực tế của dịch vụ (thể hiện qua số lượng hồ sơ được xử lý). “Tôi đánh giá cao kết  quả sử dụng dịch vụ công trực  tuyến của Thành phố Hà Nội, là Thành phố có số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến cao nhất các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đạt 340.027 hồ sơ  trực tuyến mức 3)”, Thứ trưởng chia sẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng chỉ rõ, cần thúc đẩy việc liên thông, kết nối các HTTT. Bởi lẽ, theo Thứ trưởng, mặc dù Chính phủ cũng như các bộ, ngành trong thời gian vừa qua rất quyết tâm trong việc  tích hợp, liên thông  các HTTT nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn cần giải quyết. Thực tế triển khai đã gặp phải nhiều vấn đề giữa các HTTT có quy mô từ Trung ương đến địa phương với các HTTT được địa phương triển khai xây dựng.  “Bộ TT&TT thời gian vừa qua cũng đang nỗ lực nghiên cứu và xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai vấn đề này”, Thứ trưởng cho hay.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý các Giám đốc CNTT của cơ quan nhà nước 28 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc về sự cần thiết của công tác đảm bảo an toàn thông tin. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT sẽ luôn đi kèm với các rủi ro và thách thức về an toàn thông tin. Đây đang là vấn đề được lãnh đạo Chính  phủ, Bộ TT&TT đặc biệt quan tâm và đã ban hành  một số văn bản hướng dẫn về vấn đề này”.

Một trong những vấn để nổi bật được Giám đốc CNTT của cơ quan nhà nước các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc chia sẻ tại phiên họp ngày 14/6 là khó khăn, vướng mắc trong đầu tư cho ứng dụng CNTT. Theo Giám đốc Sở TT&TT TP.Hà Nội Phan Lan Tú, Hà Nội đang triển khai mạnh mẽ việc thuê dịch vụ CNTT, tuy nhiên thủ tục để thanh toán cho các đối tác cung cấp dịch vụ CNTT hiện nay rất khó khăn. “Chu kỳ sống của sản phẩm công nghệ rất ngắn trong khi thực hiện theo đúng mô hình đầu tư công hiện nay thì thời gian triển khai thủ tục dài”, bà Tú chia sẻ.

Đồng quan điểm với bà Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng Hoàng Duy Đỉnh cho hay: “Hiện nay các địa phương triển khai ứng dụng CNTT rất khó khăn, vì ngân sách ko có danh mục trực tiếp mà phải thông qua danh mục khoa học công nghệ, nên phải thông qua rất nhiều thủ tục, văn bản. Tôi cho rằng nên có các văn bản hướng dẫn cụ thể để giúp cho địa phương triển khai trong thực tế dễ hơn”.

Về vấn đề nêu trên, đại diện Vụ CNTT - Bộ TT&TT cho biết, cuối năm ngoái, trên cơ sở các ý kiến về khó khăn, vướng mắc mà vụ đã tổng hợp được tại báo cáo 1 năm thực hiện Quyết định 80/2014/QĐ-TTg của các địa phương và ý kiến tại các phiên họp Hội đồng Giám đốc CNTT của cơ quan nhà nước, Vụ đã phối hợp cùng Cục Tin học hóa gửi Báo cáo Thủ tướng Chính phủ cùng với Hồ sơ trình dự thảo Nghị định 102 sửa đổi. Trong đó, các đề xuất nhằm tháo gỡ những tồn tại hiện nay còn vướng mắc trong thuê dịch vụ CNTT đã được cụ thể hóa trong nội dung của Chương về thuê dịch vụ CNTT trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 102. 

Đại diện Vụ CNTT cho biết thêm, Vụ đang xây dựng hướng dẫn Danh mục một số dịch vụ CNTT phục vụ cơ quan nhà nước triển khai thuê dịch vụ CNTT theo Quyết định 80/2014/QĐ-TTg, đã có văn bản xin ý kiến các địa phương và hiện đang được Vụ trình lãnh đạo Bộ xem xét, ký ban hành.

Cùng với việc phối hợp với các Hội, Hiệp hội và các doanh nghiệp nghiên cứu xây dựng các dịch vụ CNTT thông dụng trên thị trường, hiện Vụ CNTT cũng đang xây dựng hướng dẫn chi tiết đề cương Kế hoạch thuê dịch vụ CNTT; xây dựng mẫu hợp đồng thuê, quy trình, thủ tục triển khai… Dự kiến, mẫu hợp đồng thuê, quy trình, thủ tục triển khai… sẽ được Vụ CNTT xin ý kiến rộng rãi cộng đồng ICT tại Hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT 2017.

Trong kết luận phiên họp, nhận định rõ vấn đề cơ chế đầu tư cho ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước là một tồn tại lớn trong nhiều năm qua, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết Bộ TT&TT đã làm hết sức, các đề xuất cởi trói, tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan, đơn vị mà không trái luật đều đã được Bộ TT&TT nghiên cứu, đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 102.

Thứ trưởng cũng chỉ đạo Vụ CNTT và Trung tâm thông tin Bộ TT&TT đăng tải toàn bộ hướng dẫn  của Bộ TT&TT về danh mục các dịch vụ CNTT, danh mục các doanh nghiệp  sẵn sàng cho thuê dịch vụ CNTT (không bắt buộc doanh nghiệp phải công bố thông tin về giá dịch vụ) trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ nhằm tạo điều kiện cho các địa phương trong việc triển khai thuê dịch vụ CNTT.