Gói gọn trong hai ngày ở thăm Saudi Arabia, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mở ra một số triển vọng chính sách mới trong khi trở lại với một số chính sách cũ, và tạo điều kiện cho một quan hệ đầu tư chưa từng thấy nhằm tạo việc làm và thúc đẩy đầu tư tại Mỹ.
“Nước Mỹ trên hết” tại Trung Đông
Chủ đề tranh cử thống nhất của ông Trump là đặt “Nước Mỹ trên hết”. Đây dường như là dấu hiệu của một sự rút lui của Mỹ khỏi vai trò lãnh đạo ở Trung Đông mà ông Obama đã bắt đầu. Ông Trump nhấn mạnh rằng các nước Trung Đông phải tự giải quyết các khác biệt của mình và đầu tư vào nền quốc phòng của chính họ.
Dường như chính sách Trung Đông của Mỹ giờ đang đi theo hướng mới, dựa trên lời kêu gọi của Ngoại trưởng Saudi Arabia “biến một kẻ thù thành đối tác”.
Trước chuyến công du này, ông Trump đã kêu gọi hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, gọi đây là “một trong những thỏa thuận tệ nhất từng được ký”. Tuy nhiên, ít khả năng ông sẽ làm như vậy. Liên minh châu Âu (EU), Nga và Trung Quốc ủng hộ Iran như một đối tác kinh doanh quan trọng và một đối trọng với Mỹ.
Ảnh: Reuters |
Tân Tổng thống Mỹ dường như đang nhắc lại cách tiếp cận của người tiền nhiệm Obama về Hồi giáo. Hầu như ông đã không đặt ngang hàng Hồi giáo với chủ nghĩa khủng bố. Điều này sẽ giúp tái lập quan hệ với đạo Hồi mà ông từng chỉ trích trong cả chiến dịch tranh cử tổng thống và trong những ngày đầu nhậm chức.
Ông hầu như tránh né vấn đề nhân quyền tại Trung Đông, chỉ duy nhất một lần nhắc tới chuyện này một cách công khai. Ông nói nước Mỹ sẽ không kể tội các nước Trung Đông về những gì họ làm sai, mà thay vào đó sẽ tìm cách thấu hiểu và hợp tác.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump kêu gọi gia tăng ủng hộ dành cho Israel. Tại Saudi Arabia, ông đã đề nghị người Saudi và người Israel hợp tác với nhau để tìm kiếm hòa bình. Ông đã tạo ra một sự giao kèo đôi bên cùng có lợi chưa từng thấy: kẻ thù của kẻ thù của tôi là bạn tôi.
Nhưng tất cả điều này không hoàn toàn đúng khi nói về sự ủng hộ mà ông Trump dành cho Israel. Trong khi ông ủng hộ Israel, ông vẫn chỉ trích nước này tiếp tục xây dựng nhà định cư tại Bờ Tây - hoạt động mà người Arab, Palestine, LHQ và EU phản đối. Ông cũng có vẻ đã nghĩ lại kế hoạch của chính mình về việc chuyển Đại sứ Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem.
Ông Trump nói ông ủng hộ bất cứ thỏa thuận hòa bình nào mà người Palestine và Israel đạt được: dù là giải pháp một nhà nước hay hai nhà nước.
Trong một ghi nhận, Tổng thống Ai cập El Sisi tuyên bố ông Trump có một “nhân cách có một không hai” sẽ cho phép ông làm “điều không thể”, đó là thương lượng hòa bình cho cuộc xung đột Israel – Palestine. Ai Cập đứng về phía Mỹ.
Ông Trump đã “dỡ bỏ” các chính sách của chính quyền Obama về Iraq, Afghanistan và Syria. Tân Tổng thống cũng đã tăng quân tại khu vực chiến sự này và sẽ tiếp tục làm như vậy. Ông đã ra lệnh tấn công các lực lượng Syria nhằm trả đũa các cuộc tấn công vô cớ nhằm vào quân đội Mỹ. Và ông đã phê chuẩn một cuộc đánh bom vào căn cứ quân sự tại Syria mà ông tin là nơi đã tiến hành các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường.
Việc làm, việc làm, việc làm
Ông Trump đã tạo niềm tin để thúc đẩy đầu tư từ 300 - 380 tỷ USD, kết quả của chuyến công du Saudi Arabia. Ông đã chia sẻ quan điểm chung với Riyahd về Trung Đông cũng như trong lĩnh vực chính trị và đã khai thác lợi ích chung từ mối quan hệ kinh tế nhằm giúp tạo việc làm và thu hút đầu tư vào Mỹ đồng thời giúp Saudi Arabia thoát khỏi sự phụ thuộc vào một nền kinh tế dầu mỏ.
Tương tự, trong một động thái có vẻ đảo ngược chính sách bây lâu nay của Mỹ, Ngoại trưởng Rex Tillerson, người tháp tùng ông Trump đến Saudi Arabia, nói rằng không nên để các vấn đề nhân quyền ảnh hưởng tới các quan hệ thương mại.
Saudi Arabia đã nhất trí mua vũ khí của Mỹ trị giá 110 tỷ USD, gồm xe tăng, tàu, tên lửa phòng không và các thiết bị an ninh mạng. Saudi cần các loại vũ khí này cho các nỗ lực chiến tranh ở Yemen và phòng thủ chống Iran, nước láng giềng chỉ cách vài dặm qua vịnh Persian.
Mấy năm trước, Saudi Arabia đã nhất trí mua vũ khí trị giá 115 tỷ USD, nhưng việc giao hàng đã bị chính phủ Mỹ trì hoãn vì phản đối cách Riyadh tiến hành cuộc chiến tại Yemen.
Các công ty Mỹ đã nhất trí hợp tác với công ty liên doanh Aramco trong 16 thỏa thuận ký với 11 công ty. Riêng tập đoàn Điện lực đã có thỏa thuận trị giá 15 tỷ USD. Gã khổng lồ năng lượng toàn cầu Halliburton cũng tham gia.
Trong một thỏa thuận lớn nhất về công nghệ, Quỹ Đầu tư Công (PIF) của Saudi Arabia sẽ hợp tác với Softbank của Nhật Bản để thu hút 93 tỷ USD đầu tư vào công nghệ. Blackstone Private Equity của Mỹ sẽ là đối tác với PIF trong các dự án cơ sở hạ tầng, trị giá 20 tỷ USD.
Tập đoàn Exxon, mà ông Rex Tillerson từng làm Tổng giám đốc, sẽ hợp tác với Saudi Arabia xây dựng một khu phức hợp công nghiệp hóa học, tạo ra 35.000 công trình và 12.000 việc làm toàn thời gian cho Mỹ. Dự án này ước tính trị giá 50 tỷ USD.
Saudi Arabia đã hứa đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng ở Mỹ để ủng hộ sáng kiến phát triển kinh tế của ông Trump.
Có thể thấy đến lượt mình, ông Donald Trump đang dẫn dắt nước Mỹ đi theo một số con đường cả cũ và mới như để “tìm ra các đột phá mới”.
Khu vực Trung Đông đã “hành hạ” các nhà hoạch định chính sách Mỹ từ thời Tổng thống Dwight Eisenhower và khủng hoảng kênh Suez, đến thời Tổng thống Harry Truman và việc thành lập nhà nước Israel, cho tới thời ông Obama. Vì vậy, việc ông Trump có thể thành công trong khi nhiều người khác thất bại chẳng phải là tốt hay sao?
Việc nước Mỹ giải thoát mình khỏi Trung Đông để cam kết với phần còn lại của thế giới là tốt cho mọi người.
Trung Đông có thể không phải là chuyện lớn như những gì đang diễn ra với ông Trump tại chính nước Mỹ. Một loạt những vấn đề trong nước mà ông đang phải đối diện có thể khiến các thành quả đạt được tại Trung Đông trở thành chuyện đáng để bàn.
Tiến sỹ Terry F. Buss