Tổng số ca nhiễm bệnh covid-19 tại Nam Phi tính đến thời điểm sáng ngày 18/3/2020 là 85 người, chủ yếu là người nhập cảnh từ châu Âu, tuy nhiên đã có tình trạng lây chéo trong nước (F1), trong đó có cả trẻ nhỏ 2 tuổi. Hiện tại không có người Việt Nam nào nhiễm bệnh.
Ngày 16/3/2020, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã tổ chức họp khẩn toàn bộ Cơ quan đại diện Việt Nam tại Nam Phi, nhằm cung cấp thông tin, thảo luận các phương án để có thể hỗ trợ kịp thời khi cần tới mọi người dân Việt Nam sinh sống tại Nam Phi.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi đã thông tin về tình hình dịch bệnh đang diễn tiến trong nước và trên thế giới; thông báo những khuyến cáo của Chính phủ đối với công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài; nêu thực trạng tình hình dịch bệnh tại nước sở tại và đưa ra những hướng dẫn cụ thể trong công tác phòng tránh dịch bệnh tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở Nam Phi.
Đại sứ Hoàng Văn Lợi cũng cho biết, Đại sứ quán Việt Nam cùng các cơ quan đại diện gồm: Thương vụ, Quân vụ và Thông tấn xã Việt Nam tại Nam Phi đều đã thực hiện đầy đủ các biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh tại đơn vị của mình, nâng cao ý thức cho người thân và gia đình.
Đại sứ Hoàng Văn Lợi (áo trắng, giữa) chủ trì họp khẩn toàn bộ cơ quan đại diện Việt Nam tại Nam Phi trước tình hình dịch bệnh lan rộng tại nước này. |
Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi cũng công bố số điện thoại bảo hộ công dân: +27.620.295.112 và +27.62.337.298 và các văn bản hướng dẫn trên website chính thức của ĐSQ: https://vnembassy-pretoria.mofa.gov.vn/ tới mọi công dân Việt Nam hiện đang sinh sống ở Nam Phi, và đề nghị công dân Việt Nam chủ động giữ gìn, bảo vệ sức khỏe, thực hiện đầy đủ các quy định và khuyến cáo của chính quyền sở tại, đồng thời liên lạc ngay với Đại sứ quán khi cần hỗ trợ.
Trước tình hình dịch bệnh nghiệm trọng trên thế giới và việc chính phủ Nam Phi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cuộc sống của người dân Nam Phi cũng như người Việt Nam tại nơi đây đã bị ảnh hưởng không nhỏ.
Ông Tống Đức Thi, một doanh nhân làm ăn đã lâu năm tại Nam Phi cho biết, đây là lần đầu tiên mà doanh nghiệp (DN) của ông bị ảnh hưởng mạnh như vậy. Hai cơ sở kinh doanh là Nhà hàng Sài Gòn và tiệm Massage Health Spa tọa lạc tại trung tâm tài chính Sandton của thành phố Johannesburg đang phải cầm cự qua ngày.
Tiệm Spa đã phải đóng cửa từ tuần trước nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên, còn Nhà hàng Sài Gòn cũng bắt đầu thưa vắng khách, mặc dù theo ông Thi, “thời gian qua, khách nước ngoài vẫn đến ủng hộ nhà hàng bởi họ biết thông tin Việt Nam là nước kiểm soát dịch bệnh tốt”. Ông Thi cũng lo ngại rằng, liệu sắp tới DN của ông có được hưởng phần nào các chính sách hỗ trợ, miễn giảm thuế phí trong gói hỗ trợ của chính phủ Nam Phi hay không, và bày tỏ mong muốn được Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi hỗ trợ thông tin cho DN.
Cộng đồng người Việt ở thành phố Pretoria hiện an toàn |
Chị Vũ Quỳnh Trang, một công dân Việt Nam hiện đang định cư tại thành phố Pretoria, thủ đô hành chính của Nam Phi cho biết, dịch bệnh tại Nam Phi bùng phát muộn so với thế giới nhưng các ca nhiễm tăng rất nhanh, khiến người dân không thể chủ quan.
Gia đình chị Trang theo dõi sát sao các thông tin cảnh báo trên các phương tiện truyền thông của Nam Phi cũng như những thông tin, hướng dẫn của ĐSQ Việt Nam đối với công dân Việt. Chị Trang cho biết, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày hiện tại ở Pretoria chưa bị ảnh hưởng nhiều, các siêu thị vẫn đảm bảo hàng hóa thiết yếu, mặc dù cũng có hiện tượng “cháy” một vài mặt hàng như: giấy vệ sinh, nước tẩy rửa sát khuẩn, và đặc biệt là khẩu trang y tế và nước rửa tay khô.
Tại Capetown, thành phố du lịch lớn nhất ở miền Nam của Nam Phi, chị Kiều Phương, Giám đốc công ty Sản phẩm Việt (Viet produk) cho biết, có khoảng 20 người Việt Nam sống tại đây và hiện tại tất cả mọi người đều khỏe, an toàn trước dịch bệnh.
Chị Phương cho biết, DN của chị hiện sụt giảm doanh số khá mạnh nhưng vẫn đang cố gắng để đảm bảo duy trì hoạt của công ty, cũng là đảm bảo đời sống cho công nhân viên trong đó chủ yếu là các nhân viên từ Việt Nam sang.
Hội Phụ nữ Việt Nam tại Nam Phi kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2020. |
Một nhà hàng Việt Nam thứ hai tại thành phố Capetown là “Sài gòn Restaurant” trước đây luôn luôn là địa điểm đông khách bậc nhất trên con phố ẩm thực Kloof tại trung tâm thành phố Capetown, thì hiện tại đã bắt đầu giảm sút đáng kể lượng khách. Hầu hết các chủ DN người Việt tại Nam Phi đều đang bắt đầu phải đối mặt với nỗi lo thuê chi phí mặt bằng, chi phí lương nhân công và chính sách giữ nhân công sao để vượt qua đợt khủng hoảng này.
Chính phủ Nam Phi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia (national state of disater) do dịch Covid-19 và đưa ra hàng loạt các biện pháp cụ thể, bao gồm: đóng cửa toàn bộ trường học trên cả nước từ ngày 18/3 đến hết lễ Phục sinh 12/4; cấm nhập cảnh người nước ngoài từ các nước vùng dịch lớn gồm: Ý, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Trung Quốc, Iran, Mỹ; đóng cửa 35/53 cảng, cửa khẩu trên đất liền, 2/8 cảng biển quốc tế; thành lập Trung tâm phản ứng quốc gia do Tổng thống đứng đầu, nhóm họp 3 lần một tuần; cấm tụ tập các sự kiện trên 100 người; hủy bỏ một số sự kiện và đình chỉ các chuyến công du nước ngoài không cần thiết của chính phủ.
Tổng thống Nam Phi cũng cho biết, Chính phủ sẽ hợp tác với khu vực tư nhân để thiết lập một hệ thống theo dõi giám sát quốc gia đối với tình trạng dịch bệnh Covid-19 và đang hoàn thiện một gói tài chính để hỗ trợ cho các DN, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này.
Theo phân tích của các chuyên gia, sở dĩ số lượng người nhiễm bệnh ở Nam Phi mới chỉ là con số nhỏ so với nhiều quốc gia khác nhưng chính phủ Nam Phi đã tuyên bố và áp dụng các biện pháp mạnh và nhanh như vậy là vì Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung nếu để bùng phát dịch nghiêm trọng thì mức độ thiệt hại về người và kinh tế sẽ là rất lớn; bởi đa phần các nước châu Phi nghèo đều có hạ tầng y tế thiếu thốn và yếu kém, cộng với tình trạng bệnh lý nền của người dân (ước tính 10% dân số Nam Phi – khoảng 7 triệu người hiện nhiễm HIV), sẽ khiến nơi đây phải gánh hậu quả khôn lường.
Huyền Sâm