"Xin đừng mời chúng tôi, nếu chúng tôi không phải là những người thân thiết của bạn!", chia sẻ thẳng thắn của người mẫu Hà Anh trên trang cá nhân của cô về chuyện mời cưới và đi ăn cưới đã tạo ra làn sóng thảo luận sôi nổi...
Bài viết chia sẻ quan điểm về chuyện mời cưới và đi ăn cưới của người mẫu Hà Anh trên trang cá nhân. (Ảnh chụp màn hình) |
Đây là bài viết của người mẫu Hà Anh:
"Anh hàng xóm nhà em lương 7 triệu đồng/tháng, vợ ở nhà nấu bún bán, ngoài ra không có thu nhập gì, nhà 3 con, hôm cưới con gái đầu mời 800 khách, em tính như vầy nhé: 800 khách đó mỗi người trung bình sẽ mời anh ta lại 3 lần, tạm tính 2 đám cưới, 1 lần có thể là tân gia, đám giỗ... Vậy vị chi anh ta phải trả nợ 800 x 3= 2.400 lượt x 300.000 đồng = 720.000.000 đồng. Than ôi, cả đời anh ta phải nhịn ăn nhịn mặc để đi đám cưới, phải không? Trời ơi? Làm khổ nhau quá, liệu khi mời đám cưới đông là vậy, đến khi đau ốm nằm xuống liệu có con ruồi nào bay qua, mong Hà Anh chém gió về đại dịch này đi cho bà con nhờ".
Facebooker giấu mặt
XIN ĐỪNG MỜI TÔI ĐI ĂN ĐÁM CƯỚI!
Phải vậy, ở Việt Nam ta có 2 dịch vụ kiếm tiền "oách nhất" đó là dịch vụ dành cho các đôi lứa cưới xin, và mọi dịch vụ và sản phẩm liên quan đến trẻ sơ sinh.
Người người cưới, nhà nhà cưới, dẫu cũng là điều hạnh phúc và mừng rỡ của đôi trẻ và gia đình hai họ.
Các vị bố mẹ mừng rỡ lắm, nở mày nở mặt lắm, và hăm hở lắm, mời đủ thứ bạn bè đồng nghiệp, hàng xóm, đối tác, người thoáng quen để "quảng bá" cái sự mừng rỡ này, và cũng là dịp thu hồi khoản đầu tư của mình qua tiền mừng của hàng trăm, hàng ngàn khách mời.
Chỉ tội nghiệp cho cô dâu chú rể, những người vốn dĩ phải được hạnh phúc nhất trong ngày cưới của mình, phải là trung tâm của sự chú ý, thì nay xớn xác đi chào từng bàn một, bắt tay người tới, kẻ về, hàng trăm, hàng ngàn người mà có khi họ cũng chẳng biết mặt, và bố mẹ hai họ cũng chỉ biết sơ qua.
Họ như cái máy, mặt kệch phấn, nóng nực, vướng víu trong những chiếc váy cồng kềnh, bụng đói và người mệt lả, nụ cười đã tưởng như biến thành đông cứng luôn trên khuôn mặt.
Người ta thì nói cười với đủ thứ đề tài khác nhau chưa chắc đã về họ, hai bên bố mẹ họ hàng còn bận nở mày nở mặt. Còn cô dâu chú rể mệt nhoài đêm về ngồi xổm đếm tiền.
Chẳng lãng mạn, cũng chẳng hạnh phúc như họ tưởng.
Nhưng thôi, giả sử như họ có mệt, mà mọi người đều hạnh phúc, đều mừng cho hạnh phúc của họ vì một nhẽ.
Không, người ta KHIẾP SỢ!
Khiếp sợ từ cái lúc nhận được thiệp cho đến lúc phải chi tiền nhét vào bao, sắm cái áo mới đi dự cưới, đến độ nhập mình vào hàng trăm, có khi hàng ngàn con người cũng xa lạ với họ để ăn những bát súp ấm ấm bóng bì nấm, những chiếc nem nguội lạnh, những món rau xào dai nhách và những ly rươụ vang hay nước ngọt đầy công thức.
Vậy thì thời gian đâu mà họ hạnh phúc dùm thay cho đôi trẻ?
Lần đầu tiên tôi được đi dự đám cưới của một đôi trẻ mà tôi không quen biết, khi gia đình hai họ đang phát biểu trên sân khấu rất chi rưng rưng và tôi đang ngẩng đầu cố lắng nghe thì lập tức mấy cô cùng bàn nhắc tôi "Ăn đi cháu!".
Và thế là mọi người ăn rào rào! Ừ, không ăn rào rào thì làm gì? Còn phải về chứ! Bộ phim dài tâp của Hàn Quốc sắp chiếu trên TV rồi! - Hẳn là họ suy nghĩ.
Có suy nghĩ là có làm, ăn xong, họ không ai cần bảo ai, không chào hỏi, báo trước, đứng dậy đi về rào rào. Họ đi về nhanh đến mức 2 họ ngỡ ngàng, các nhạc công trên sân khấu chưa kịp lên dây đàn xong để vào khúc dạo thư giãn màn 2.
Vậy thì, đám cưới với mục đích gì?
Đám cưới dành cho ai?
Và mang lại lợi ích gì?
Dĩ nhiên, người ta luôn nhân danh "hạnh phúc đôi trẻ", nhưng lợi ích cho đôi trẻ thì chưa biết, người ta cứ khiếp sợ đi cái đã!
Khiếp sợ từ ngày nhận thiệp cưới khiếp sợ đi!
Đám cưới ở nước ngoài người ta mời hai bên họ hàng, gia đình thân thiết khoảng tầm nhiều lắm là 40-50 người. Ở nhà ta, đám cưới bét nhất cũng là 4, 5 trăm, nhiều hơn cả hai ba ngàn người! Sang thế cơ mà!
Đám cưới người ta lúc cử hành hôn lễ, mọi người nín thở cho giây phút thiêng liêng, bạn bè, gia đình gợi nhớ kỷ niệm, khóc cùng cô dâu, chú rể. Sau rồi ở lại chơi bời nhảy nhót đếm đêm khuya cùng cô dâu chú rể. Ai rồi đi về cũng hân hoan, người đáp máy bay sang cả đất nước khác tham dự cưới vì họ thực sự thân thiết với cô dâu chú rể. Và người ta còn kể câu chuyện và kỷ niệm đám cưới này đến nhiều năm, nhiều chục năm sau.
Đám cưới ở ta còn đọng lại những nhốn nháo nóng nực, những khách đi về rào rào, chả ai lắng nghe, cũng chả ai quan tâm. Người ta bỏ những phong bì tiền mừng vào cái hòm như công thức, lòng nơm nớp lo sợ người ta phát hiện mình mừng hơi ít. Kẻ đã lo sợ đến cái tiệc cưới mình phải đi vào tháng sau.
Vài tháng trước có vài đôi đồng nghiệp trong showbiz cưới. Người người nhà nhà xúng xính quần áo đi tham dự. Có người hỏi tôi "Có được mời hay không".
Tôi trả lời "Tôi không được mời, vì tôi cũng không thân thiết với các cặp đôi này!".
Và không, thực sự tôi rất mừng cho hạnh phúc của họ. Nhưng tôi cũng thầm mừng vị họ đã rất văn minh khi không ép tôi phải đi dự đám cưới khi tôi chỉ là một người đồng nghiệp đắc ý chứ không phải là người bạn thân của vợ chồng họ.
Vì sao?
Bởi có lẽ tôi cũng sẽ ở đó, quần áo xúng xính như ai, cũng sẽ vui cho họ như ai.
Nhưng sâu thẳm trong lòng, liệu tôi có nhiều kỷ niệm về họ? Với họ? Như những người bạn thân thiết lâu năm của họ?
Đám cưới, không phải là cuộc chạy đua, cũng không phải là dịp để người ta phô trương cho nở mày nở mặt, không phải là lúc để ta kinh doanh lại càng không phải là cơ hội để làm khách mời khiếp sợ!
Vậy đám cưới ơi, xin đừng mời chúng tôi, nếu chúng tôi không phải là những người thân thiết của bạn!
Bài viết của người mẫu vừa mới đưa lên đã nhận được hơn 1600 lượt like, hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận. Nhiều người đồng tình với quan điểm của người mẫu xinh đẹp và cũng chia sẻ những ca "khó xử" của mình.
Nickname Vinh Hoa Bùi chia sẻ: "Haizz hôm lâu ba mẹ em đi ăn đám cưới "bạn học cùng", về em hỏi thăm cô dâu chú rể ba mẹ cũng ngớ người không nhớ "bạn học cùng" tổ chức đám cưới con trai hay con gái !!!! đắng ... à mà thôi. Đến lượt mình chắc cũng vậy quá!".
Quan điểm của siêu mẫu được nhiều người bình luận. |
Facebooker Chau Tran viết: "Cảm ơn em về bài viết hay và sâu sắc. Đám cưới của mình cách đây 14y, hồi đó, khách khứa chủ yếu là của bố mẹ hai bên, các cụ "trả nợ miệng". Nhân vật chính là cô dâu chú rể ngoác miệng cười toe toét từ trưa đến tối đến chào hỏi toàn người xa lạ (khổ thân khách mời). Nay mình và chồng quán triệt sau này sẽ không lặp lại điều tương tự đối với con gái, rằng thì bố mẹ không phải trả nợ miệng ai cả (ai không thân thiết mời mình đám cưới là mình không đi)".
Thúy Ngọc Dương: "Đám cưới bây giờ là dịch vụ. Kể cả đám giỗ, đầy tháng, thôi nôi, tân gia... cũng thế. Người thì gượng gạo đi và lo tốn kém, chủ nhà thì nghĩ không biết lỗ lãi ra sao. Tóm lại chẳng có ý nghĩa là ngày hạnh phúc nữa".
Cũng có người mạnh dạn: "Tới cưới sẽ không mời quá 20 bạn"; hay "Mình còn thích sau này chỉ làm tiệc ngọt cho con"...
M.T (tổng hợp)