|
CNTT-TT là một trong những hạ tầng nền tảng, là động lực đưa Việt Nam vượt qua thách thức của hội nhập quốc tế, nguy cơ tụt hậu và bẫy thu nhập trung bình. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Đó là 1 trong số 13 khuyến nghị vừa được Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2012 (Vietnam ICT Summit 2012) với sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam thống nhất đề xuất nhằm hiện thực hóa tầm nhìn mới của Nghị quyết Trung ương số 13 về việc CNTT là "hạ tầng của hạ tầng quốc gia".
Ông Trương Minh Tuấn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: "Nghị quyết số 13 của BCH Trung ương Đảng vừa được ban hành đầu năm 2012 đã khẳng định vai trò nền tảng của CNTT đối với sự phát triển, hiện đại hóa của từng ngành, từng lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế. Đây là quan điểm đột phá mới trong tư duy chiến lược của Đảng về phát triển hạ tầng quốc gia được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang tiến nhanh vào kỷ nguyên số với xu thế phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin. Lựa chọn CNTT chính là lựa chọn con đường để Việt Nam đi tắt, đón đầu. Với CNTT, Việt Nam sẽ hội nhập quốc tế nhanh hơn, rộng hơn, sâu hơn và toàn diện hơn, giúp Việt Nam có được vị trí cao trong chuỗi giá trị phân công lao động toàn cầu".
TS. Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách phần mềm & Dịch vụ thuộc Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ Việt Nam (VINASA) cũng đánh giá: "Nghị quyết Trung ương số 13 với tầm nhìn mới về vị trí, vai trò của CNTT trong hiện đại hóa hệ thống hạ tầng quốc gia, hiện đại hóa đất nước đang mở ra cơ hội để Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia mạnh về CNTT và mạnh bằng CNTT, vượt qua các thách thức của hội nhập quốc tế, của nguy cơ tụt hậu và bẫy thu nhập trung bình".
Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều lãnh đạo Bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân chưa nhận thức đúng về vai trò hạ tầng của hạ tầng, kết nối hạ tầng thông minh cho quốc gia của CNTT. Đa phần vẫn chỉ coi CNTT là một công cụ được sử dụng đơn lẻ, thiếu tính kết nối đa chiều, đa lĩnh vực. Bởi vậy, rất cần có một Nghị quyết chuyên đề mới về CNTT, thay thế cho Chỉ thị số 58 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước đã được Bộ Chính trị ban hành từ năm 2000.
Từ năm ngoái, sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 các chuyên gia CNTT đã đánh giá rằng nhiều điểm trong Chỉ thị 58 không còn phù hợp với xu thế phát triển như vũ bão của kỷ nguyên số hóa và đề xuất phải có Nghị quyết/Chỉ thị mới để thay thế. Và Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2012 lại tiếp tục xới lên vấn đề này.
"Không có gì thiết thực hơn, có ý nghĩa hơn là các khuyến nghị của Diễn đàn được triển khai và góp phần vào công cuộc hiện đại hóa, chấn hưng đất nước. Kết quả triển khai các khuyến nghị này vào thực tiễn cuộc sống và hiệu quả mang lại sẽ được tổng hợp, đánh giá tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT lần thứ 3, dự kiến tổ chức vào tháng 6/2013", TS. Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách phần mềm & Dịch vụ thuộc Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ Việt Nam (VINASA) cho biết thêm.
13 khuyến nghị nhằm hiện thực hóa tầm nhìn mới của Nghị quyết Trung ương số 13 về việc "CNTT là hạ tầng của hạ tầng quốc gia".
Có 9 khuyến nghị đối với Đảng, Chính phủ gồm:
Thứ nhất, tạo nhận thức sâu sắc ở các cấp, các ngành và toàn xã hội về quan điểm mới của Đảng, xác định CNTT giữ vai trò là "hạ tầng của hạ tầng quốc gia"; thúc đẩy phát triển, ứng dụng CNTT là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình hiện đại hóa đất nước và là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.
Thứ hai, sớm có nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị về CNTT và hiện đại hóa đất nước phù hợp với quan điểm mới của Đảng về vai trò của CNTT để thay thế cho Chỉ thị 58/CT-TW.
Thứ ba, sớm thành lập Ủy ban Quốc gia về CNTT - hiện đại hóa đất nước do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch.
Thứ tư, người đứng đầu tất cả các cấp, các ngành trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ ứng dụng hiệu quả CNTT vì mục tiêu phát triển.
Thứ năm, ứng dụng CNTT phải là yêu cầu bắt buộc trong mọi công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và được thể chế hóa bằng văn bản pháp luật.
Thứ sáu, xây dựng Quy hoạch tổng thể hạ tầng CNTT-TT quốc gia, cơ chế hợp tác công - tư (PPP) để huy động các nguồn lực đầu tư và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho phát triển, ứng dụng CNTT.
Thứ bảy, hình thành và ban hành chuẩn CNTT quốc gia cho tất cả các cấp, các ngành để đảm bảo khả năng kết nối liên thông và đồng bộ hóa.
Thứ tám, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT quốc gia; đưa nội dung quy hoạch nguồn nhân lực CNTT vào quy hoạch phát triển nguồn nhân lực quốc gia.
Thứ chín, trong giai đoạn đến 2015, Nhà nước cần ưu tiên tập trung ứng dụng CNTT để hiện đại hóa một số ngành, lĩnh vực gồm: Giao thông, y tế, giáo dục, cải cách hành chính, đô thị nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc. Trong đó, về giao thông, ứng dụng CNTT để xây dựng hệ thống thông tin giao thông theo thời gian thực; phát triển hệ thống giao thông thông minh... Về giáo dục đào tạo, ứng dụng CNTT để đổi mới phương thức giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cá nhân; nâng cao sự bình đẳng về cơ hội trong giáo dục đào tạo... Về đô thị thông minh, ứng dụng CNTT để phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội thông minh có thể kết nối liên thông, đồng bộ hóa; nâng cao sức cạnh tranh của các thành phố - trung tâm kinh tế vùng. Về thẻ công dân điện tử, ứng dụng CNTT nhanh chóng triển khai xây dựng và cấp phát mã số gốc duy nhất, không thay đổi cho mỗi người dân (mã số công dân) cùng với thẻ công dân điện tử (hoặc chứng minh nhân dân điện tử). Các Bộ, ngành nghiên cứu ngay việc sử dụng mã số này cho công việc của mình. Đồng thời xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm kết nối các hệ thống thông tin toàn diện về công dân trên cơ sở mã số công dân.
4 khuyến nghị còn lại dành cho các doanh nghiệp CNTT gồm: Nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cạnh tranh cùng đẩy mạnh liên kết, hợp tác, tham gia có chất lượng vào công cuộc phát triền và ứng dụng CNTT, hiện đại hóa đất nước; Đi đầu trong ứng dụng quản trị doanh nghiệp thông minh; Gắn kết việc nâng cao chất lượng quản trị và kỹ năng lao động với đầu tư phát triển năng lực nghiên cứu phát triển (R&D) và trình độ công nghệ; Tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng thiết lập chuỗi giá trị: nghiên cứu - đào tạo – thiết kế - phát triển - triển khai - cung ứng sản phẩm/dịch vụ.