Loạt chương trình chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động

Đầu tháng 10/2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Với phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”, Công đoàn Việt Nam cho biết sẽ mang tới 10 hoạt động ý nghĩa.

Đáng chú ý là chương trình “Tết Sum vầy - Xuân ơn Đảng” gắn với một số hoạt động cụ thể như khai mạc chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2025”, phát động chương trình “Chuyến xe Công đoàn - Xuân 2025”, “Chuyến tàu Công đoàn - Xuân 2025”…

Với các hỗ trợ thiết thực, khoảng 200.000 đoàn viên công đoàn có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, tham gia hoạt động công đoàn; đoàn viên công đoàn còn khó khăn, thu nhập thấp sẽ được nhận mức hỗ trợ 500.000 đồng/người để mua hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng tại chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2025”; khoảng 2.000 vé tàu hai chiều, 400 vé máy bay một chiều… cũng sẽ được trao đến người lao động giúp họ về quê đón Tết được thuận lợi hơn.

congdoan1.jpg
Lao động được hỗ trợ vé máy bay về quê đón Tết. Ảnh: Thạch Thảo

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cũng đẩy mạnh các hoạt động thăm, tặng quà, chúc Tết đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán 2025, nhất là đoàn viên, người lao động còn khó khăn, thu nhập thấp, mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nghề nghiệp, bị tai nạn lao động, thiếu việc làm, mất việc làm, bị nợ lương, thưởng…

Lan toả các mô hình chăm lo, hỗ trợ người lao động

Các hoạt động trên tiếp nối truyền thống chăm lo đoàn viên, người lao động của Công đoàn Việt Nam. Nhiều năm qua, các chương trình phúc lợi, quan tâm chăm lo đoàn viên, người lao động vẫn luôn được Công đoàn tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực và tạo dấu ấn sâu đậm.

Với chương trình “Tết Sum vầy”, trong 5 năm qua đã có hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động được chăm lo với tổng số tiền gần 28.000 tỷ đồng.

Tháng Công nhân được triển khai cùng Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động đã tổ chức thăm, động viên, tặng quà hơn 3,8 triệu lượt công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, công nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo; tôn vinh, tri ân công nhân có nhiều thành tích trong sản xuất kinh doanh với tổng số tiền hàng nghìn tỷ đồng.

Chương trình “Mái ấm Công đoàn” giúp gần 14.000 người lao động được xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng.

Hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp liên tục được tổ chức với tổng số tiền hỗ trợ hơn 3.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để san sẻ khó khăn với đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng do ảnh hưởng của đại dịch, biến động thế giới trong 2 năm 2022-2023, các cấp công đoàn đã triển khai chi hơn 141.190 tỷ đồng để hỗ trợ cho 99.539 người lao động, trong đó có hơn 98.066 đoàn viên.

Đẩy mạnh chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, hướng tới các chương trình phúc lợi dài hạn cho đoàn viên, người lao động, trong năm 2024 chương trình “Bữa cơm Công đoàn” cũng được xây dựng và triển khai sâu rộng. Đến nay có trên 15.000 công đoàn cơ sở đã phối hợp tổ chức “Bữa cơm Công đoàn” cho trên 3,1 triệu đoàn viên, người lao động, với tổng số tiền trên 128 tỷ đồng…

Những con số biết nói đã giúp đoàn viên, người lao động và toàn xã hội hiểu rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn; tạo sự tin tưởng, gắn kết giữa Công đoàn với người lao động, khích lệ đoàn viên, người lao động làm việc thêm năng suất, chất lượng, góp phần ổn định đời sống, việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống.

congdoan2.jpg
Ảnh minh hoạ: Lê Anh Dũng

Mới đây, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về “Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới”. Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là xây dựng hệ thống chính sách, tập trung nguồn lực của tổ chức Công đoàn chăm lo phúc lợi theo hướng đồng bộ, ổn định, dài hạn; huy động nguồn lực xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; tạo sự gắn kết chặt chẽ, bền vững giữa đoàn viên, người lao động với tổ chức Công đoàn…

Trong 6 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu trên, Công đoàn Việt Nam tiếp tục triển khai đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động, tiếp tục thí điểm, nhân rộng các mô hình chăm lo hiệu quả, thiết thực… từ đó tiếp tục củng cố niềm tin, gắn kết đoàn viên, người lao động với tổ chức Công đoàn, góp phần xây dựng Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh.

M.M