Nhiều nơi tổ chức công đoàn hoạt động hình thức 

Sau khi VietNamNet đăng tải bài “Bỏ công đoàn viên chức là bước đi cần thiết, tránh chồng chéo”, nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc bày tỏ quan điểm về nội dung bỏ công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang và giảm mức phí công đoàn.

Nhiều bạn đọc đặt vấn đề xoay quanh hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn tại các cơ quan, doanh nghiệp. Nhiều ý kiến thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại nhiều năm qua của tổ chức công đoàn.

Cho rằng mối quan hệ tài chính có thể ảnh hưởng đến tính độc lập và vai trò đại diện của công đoàn, bạn đọc Thiện Nguyễn Công chia sẻ: “Công đoàn muốn đấu tranh cho quyền lợi người lao động thì phải ăn lương do người lao động. Ăn lương doanh nghiệp thì khó mà bảo vệ họ một cách độc lập được”. 

cong nhan 6 245.jpg
Thực tế những nơi công đoàn hoạt động đúng chức năng, người lao động vẫn có một “điểm tựa” để lên tiếng, được hỗ trợ khi gặp khó khăn. Ảnh minh hoạ.

Không ít người khác cho rằng nhiều tổ chức công đoàn hiện nay hoạt động hình thức, thiếu hiệu quả. Bạn đọc Nguyễn Văn Xuân, người từng làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, chia sẻ rằng vai trò công đoàn chỉ dừng lại ở việc thăm hỏi ốm đau, phát quà dịp lễ, Tết, thiếu tiếng nói khi người lao động gặp khó khăn, tranh chấp. Do vậy không cần thành lập riêng một tổ chức.

Câu chuyện càng trở nên đáng bàn khi nhiều bộ ngành, đơn vị có hẳn bộ phận công đoàn chuyên trách, với nhân sự, phụ cấp riêng biệt. 

“Có cần thiết không khi mỗi nơi lại lập riêng một bộ phận công đoàn, trong khi hoạt động chưa thực chất?”, độc giả Duy đặt câu hỏi.

Bạn đọc Giang Huy cho rằng, đã chủ trương tinh gọn bộ máy thì cần rà soát lại hết các tổ chức, hội nhóm (có phụ cấp) để xem có thực sự cần thiết hay không, chứ cứ để mô hình cồng kềnh như hiện nay hiệu quả hoạt động rất thấp.

Đáng chú ý, có những tiếng nói từ chính người trong cuộc. Một chủ tịch công đoàn cơ sở có tên La Vị chia sẻ thẳng thắn: “Cả nhiệm kỳ tôi không làm được gì cho người lao động. Chi bộ và ban giám đốc quyết hết. Tôi thấy bỏ công đoàn viên chức là phù hợp”. 

Khẳng định bỏ tổ chức công đoàn viên chức và lực lượng vũ trạng là một chủ trương đúng để tinh gọn bộ máy, độc giả Nguyen Hung cho rằng, từ trước tới nay trong các cơ quan nhà nước vai trò của công đoàn mờ nhạt và không có gì đáng kể. Nhiệm vụ quan tâm đến người lao động trong cơ quan chỉ cần bổ sung thêm cho cơ quan chính trị, Đảng thực hiện là phù hợp.

Độc lập, hành động vì người lao động

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến bảo vệ công đoàn trong các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Bạn đọc Vuong Thanh Lam cho rằng: Không nên bỏ vì cần một tổ chức độc lập với ban lãnh đạo doanh nghiệp để bảo vệ người lao động”. Thực tế, ở những nơi công đoàn hoạt động đúng chức năng, người lao động vẫn có một “điểm tựa” để lên tiếng, được hỗ trợ khi gặp bất công.

Vấn đề cốt lõi hiện nay có lẽ không phải là nên hay không nên duy trì tổ chức công đoàn, mà là làm sao để công đoàn thực sự độc lập, đại diện và hành động vì người lao động, chứ không phải trở thành một phần “phụ lục” trong bộ máy hành chính.

Về việc giảm mức phí công đoàn, bạn đọc Đô Bùi Tấn cho rằng, đây là một chính sách phù hợp với giai đoạn hiện nay, vì giờ đây các cơ quan hành chính phải làm việc rất nhiều mà lại tham gia các hoạt động phát sinh không hiệu quả, phải đóng phí công đoàn 1% là giảm đi một phần tiền lương, trong khi khoản tiện này khi về nghỉ hưu không còn quyền lợi gì.

Đồng quan điểm, một bạn đọc khác góp ý, khi người lao động đang đóng 1% lương hàng tháng cho công đoàn – một khoản không nhỏ thì càng cần có sự minh bạch, rõ ràng về cách thức sử dụng, và hiệu quả mang lại.