Thông tin nêu trên vừa được Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra ngày 26/3/2016, Văn phòng Chính phủ đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện một số giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử tới hết quý I/2016.
Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử được Chính phủ ban hành vào ngày 14/10/2015 nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Tại Nghị quyết này, cùng với việc được giao chủ trì tổ chức xây dựng Chính phủ điện tử và triển khai các giải pháp nêu tại Nghị quyết, Văn phòng Chính phủ cũng được giao triển khai các giải pháp: chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối liên thông các phần mềm quản lý văn bản; thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia để tích hợp tất cả dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; ban hành danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện; chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và Bộ TT&TT soạn thảo cơ chế thí điểm đầu tư, mua sắm và thuê dịch vụ, sản phẩm CNTT phù hợp với đặc thù của công nghệ là liên tục đổi mới, thiết bị lạc hậu nhanh và giảm giá mạnh…
Báo cáo tóm tắt của Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện một số giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết 36a tới hết quý I/2016 cho hay, về kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ; tính đến ngày 24/3/2016 đã có 25 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành kết nối hệ thống quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ đã chính thức liên thông (gửi/nhận) văn bản điện tử với UBND TP.HCM. Hệ thống cho phép tự động nhận biết được trạng thái xỷ lý văn bản giữa 2 cơ quan.
Trong thời gian tới, Văn phòng Chính phủ sẽ mở rộng liên thông văn bản điện tử tới các bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, trước ngày 1/6/2016 sẽ hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
Đối với việc đẩy mạnh ứng dụng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia, báo cáo của Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, đơn vị này đã gửi văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 được ưu tiên cung cấp trong năm 2016 của mỗi cơ quan. Dự kiến danh mục sẽ được ban hành trong tháng 4/2016.
Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai và TP.HCM thử nghiệm tích hợp dịch vụ công trực tuyến ở cấp tỉnh; trên cơ sở đó lập phương án xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia để đưa vào hoạt động thử nghiệm từ tháng 6/2016 và hoạt động chính thức từ tháng 9/2016.
Bên cạnh đó, việc bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, đầu tư công trong lĩnh vực CNTT cũng đang được Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai.
Cũng theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện liên thông văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ và chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết tích hợp thử nghiệm các dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia trước ngày 1/7/2016; tích cực thực hiện các nhiệm vụ và hoàn thành ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 36a; đồng thời thực hiện cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong năm 2016 theo danh mục do Văn phòng Chính phủ ban hành.