Bất cứ người dùng bình thường nào cũng có thể tấn công vào thiết bị của những người mà họ quan tâm, chẳng hạn như các bà vợ muốn theo dõi chồng ngoại tình, hay các cô gái muốn xâm nhập vào máy tính của anh bồ trăng hoa...
Tất cả là nhờ một công cụ "phần mềm tống tiền" đang lưu hành trên thế giới Internet ngầm mà hãng bảo mật McAfee vừa phát hiện được.
Với tên gọi Tox, công cụ này cho phép tất cả mọi người, không phân trình độ công nghệ, tự động tạo ra các phần mềm tống tiền (ransomware): chúng sẽ mã hóa ổ cứng của nạn nhân và đòi tiền chuộc để giải mã chúng.
Ransomware tiêu biểu nhất chính là Cryptolocker, hoành hành đặc biệt mạnh trong nửa đầu năm ngoái. Nó đòi tiền chuộc dưới dạng bitcoin và các nạn nhân phải nộp tới 2 bitcoin (tương đương 2000 USD tại thời điểm đó), bằng không tài liệu của họ sẽ vĩnh viễn bị mất. Tuy nhiên, Cryptolocker đã bị tiêu diệt trong một chiến dịch rà quét đồng thời ở cả Mỹ lẫn EU vào tháng 6/2014. Máy chủ điều khiển và trung tâm điều hành của ransomware này đã bị niêm phong. Sau đợt truy quét đó, hoạt động của ransomware đã tạm lắng xuống.
Tuy nhiên, theo McAfee, Tox đe dọa thổi bùng lại nguy cơ này. Nhưng khác với Cryptolocker - do một tổ chức tội phạm mạng chuyên nghiệp phát tán, Tox cho phép bất cứ ai cũng có thể tung ra ransomware của riêng mình. Người dùng chỉ cần đăng ký trên một website thuộc thế giới ngầm sau đó chọn khởi tạo phần mềm ransomware riêng. Họ cũng có thể lựa chọn số tiền chuộc theo ý muốn (đơn vị USD) và soạn câu ghi chú cá nhân.
Sau đó, website này sẽ tự động tạo ra một virus có thể download được. Người dùng sẽ tải virus này về rồi chia sẻ theo bất cứ cách nào mình muốn. Tox sẽ thu lại 20% số tiền chuộc mà người dùng được trả. "Chúng tôi không nghĩ Tox sẽ là malware cuối cùng áp dụng cơ chế này. Sẽ có nhiều phần mềm tống tiền tinh vi hơn xuất hiện trong thời gian tới", chuyên gia Jim Walter của McAfee dự đoán.
Tox cho thấy mặt trái của ngành công nghiệp công nghệ cũng đi theo xu hướng y như mặt phải. Xu hướng "phần mềm như một dịch vụ", cung cấp chương trình nhưng thu phí đang được rất nhiều hãng phần mềm như Microsoft áp dụng.
T.C