Phát biểu tại hội trường trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội chiều 4/11, ĐBQH một số địa phương nêu lên nhiều áp lực cũng như tâm tư của cán bộ, công chức cấp cơ sở hiện nay.

Cả tháng nhận hỗ trợ không bằng một ngày công lao động phổ thông

ĐB Nguyễn Văn Sơn, Hà Tĩnh cho biết, sau 2 năm thực hiện sáp nhập huyện xã,  43 tỉnh, thành đã sắp xếp giảm 6 huyện và 546 xã. Qua đó giảm được 9.534 cán bộ, công chức và 6.913 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Dự kiến, sẽ giảm chi phí ngân sách Nhà nước chi cho tiền lương, phụ cấp và chỉ hoạt động hành chính hàng năm hàng nghìn tỷ đồng.

{keywords}
ĐB Nguyễn Văn Sơn, Hà Tĩnh

ĐB dẫn chứng Hà Tĩnh đã sắp xếp 80 xã, hình thành 34 xã mới, giảm 46 xã, bằng 17,5%. Sắp xếp, giảm 860 thôn trên 262 xã, phường, bằng 30,3%, giảm hơn 1.260 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, dự kiến tiết kiệm chi ngân sách khoảng 180 tỷ/năm.

Ông Sơn cũng khẳng định, sau sắp xếp bộ máy cơ sở đã nhanh chóng vận hành nhịp nhàng. Bộ máy tinh gọn, biên chế giảm, cơ cấu lại và nâng cao được chất lượng, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, ĐB cũng nêu một số vấn đề bất cập, trong đó có việc cán bộ, công chức được đào tạo cơ bản, đạt tiêu chuẩn nhưng dôi dư sau sát nhập. Vì vậy, ngoài chính sách về tài chính, cần quan tâm tạo điều kiện để những cán bộ này có việc làm, không lãng phí nguồn lực đã đào tạo, cống hiến.

Ngoài ra, cán bộ cấp cơ sở tại địa phương rất tâm tư, phản ánh sau sáp nhập địa bàn rộng hơn, nhưng số cán bộ hoạt động thì giảm đi, chế độ chính sách cũng không phù hợp.

“Tham gia công việc của thôn, cả tháng mới nhận hỗ trợ thì không bằng một ngày công lao động phổ thông. Cán bộ cơ sở thôn, tổ dân phố cảm giác không được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, làm cho họ giảm đi trách nhiệm với cộng đồng và nhiều nơi thì cán bộ không còn muốn tham gia”, ĐB tỉnh Hà Tĩnh đề nghị rà soát để bổ sung chế độ chính sách cho các đối tượng ày.

Chính quyền 4 cấp nhưng cán bộ công chức chỉ có 3 cấp 

ĐB Nguyễn Thanh Quang, TP Đà Nẵng cho biết, người đầu tiên lo cho nhân dân vùng dịch, vùng lũ và cũng sẽ là ở lại với bà con, tiếp tục chăm lo đời sống cho bà con không ai khác chính là đội ngũ cán bộ cơ sở, đội ngũ công chức cấp xã.

“Vui vì được sự ghi nhận của nhân dân, nhưng khi tiếp xúc cử tri, cán bộ cơ sở cũng có rất nhiều trăn trở, tâm tư muốn được Quốc hội, Chính phủ thấu hiểu và quan tâm giải quyết”, ĐB Quang bày tỏ.

Ông kể về áp lực của cán bộ cơ sở, công việc nhiều nhưng người thì ít. Theo định biên chung hiện nay, cán bộ, công chức và không chuyên trách ở phường loại 1 là 36 người, phường loại 2 là 32 người.

“Theo Thông tư số 13 của Bộ Nội vụ thì công chức tư pháp hộ tịch ở cấp xã loại 1 được phân công 2 người, thực hiện 12 nhiệm vụ chính thức quan trọng và hàng chục nhiệm vụ không tên khác. Riêng 2 nhiệm vụ là công tác hộ tịch và chứng thực thì bắt buộc phải trực tiếp tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa. ”, ĐB dẫn chứng.

{keywords}
ĐB Nguyễn Thanh Quang, TP Đà Nẵng 

Thống kê năm 2019, ở một phường thuộc thành phố Đà Nẵng, đã tiếp nhận 14.531 hồ sơ, trong đó chứng thực 13.080 hồ sơ, hộ tịch 1.090 hồ sơ. Nếu tính để giải quyết dứt điểm một hồ sơ, quy đổi về thời gian kể từ khi tiếp nhận, kiểm tra các giấy tờ cần thiết, đối chiếu văn bản liên quan, soạn thảo nội dung, trình lãnh đạo ký và trả lại người dân mất 15 phút.

“Để giải quyết hơn 14.000 hồ sơ này, 2 công chức tư pháp hộ tịch mỗi người mỗi ngày phải mất hơn 7 giờ 20 phút làm việc để thực hiện nhiệm vụ này. Như vậy, còn 10 nhiệm vụ có tên và hàng chục nhiệm vụ không tên khác thì người công chức này phải làm sao cho tốt đây”, ĐB Quang băn khoăn.

Ngoài ra, ĐB cũng nêu áp lực của cán bộ, công chức trước xã hội: "Trong thời điểm phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Hầu như đa số người dân đều có điện thoại di động, có chức năng ghi hình, ghi âm và đa số người dân có sử dụng mạng xã hội. Nên mỗi một cán bộ công chức, nếu trong quá trình thực thi công vụ có sai sót thì lập tức bị cả xã hội lấy nhóm, gây áp lực cho bản thân và gia đình”.

Vì vậy, ĐB mong xã hội, cấp trên cần có cái nhìn thấu hiểu, động viên và chia sẻ vì mỗi một con người khi sống và làm việc cũng có lúc chưa hoàn thiện.

Cán bộ cấp cơ sở còn chịu áp lực về tâm lý khi Luật Cán bộ, công chức, cán bộ công chức cấp xã có quy định riêng về tiêu chuẩn, chế độ, chính sách.

“Cho nên anh em mới nói rằng chính quyền thì có 4 cấp nhưng cán bộ công chức chỉ có 3 cấp thôi. Điều đó ít nhiều gây khó khăn trong công tác điều động, luân chuyển liên thông giữa các cấp, ảnh hưởng nhiều đến hướng phát triển trong tương lai, đến sự nỗ lực phấn đấu của bản thân cán bộ, công chức”, ông Quang nói.

Ngoài ra, ĐB cũng nêu câu chuyện của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã không được gọi là cán bộ, công chức, không có lương, chỉ có phụ cấp dưới 2 triệu đồng/1 tháng.

“Với mức thu nhập như vậy không thể đủ để đảm bảo cuộc sống của bản thân chứ chưa nói là giúp đỡ gia đình nuôi con cái. Với mức thu nhập như vậy, làm sao để họ có thể an tâm công tác, làm tốt nhiệm vụ được giao”, ĐB băn khoăn.

Vì vậy, ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét căn cứ nhiệm vụ trong từng giai đoạn cụ thể bố trí đủ số lượng cán bộ, công chức cấp xã; thống nhất đội ngũ cán bộ, công chức trên cả nước theo đúng hệ thống 4 cấp từ trung ương đến xã, phường và liên thông, thống nhất không cắt khúc; có tiêu chuẩn, vị trí việc làm và chế độ, chính sách thống nhất, đồng bộ phù hợp tính chất, mức độ công việc chuyên môn.

Thu Hằng - Hồng Nhì - Trần Thường

Tổng biên chế công chức năm 2021 giảm 3.867 người

Tổng biên chế công chức năm 2021 giảm 3.867 người

Tổng biên chế công chức năm 2021 (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cán bộ, công chức cấp xã) là 249.650 biên chế, giảm 3.867 biên chế so với năm 2020.