Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến cho dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 tới. Một trong những nội dung đáng chú ý là vấn đề tuổi hưu.
Bộ Nội vụ cho rằng nhiều quốc gia cho phép nghỉ hưu sớm hoặc kéo dài tuổi nghỉ hưu tùy vào tính chất công việc.
Tham khảo tại Trung Quốc cho thấy, công chức đến tuổi nghỉ hưu hoặc bị mất hoàn toàn khả năng lao động thì nghỉ hưu. Công chức thuộc một trong các trường hợp sau đây và tự nguyện xin nghỉ hưu nếu được cơ quan quản lý chấp thuận thì được nghỉ hưu trước tuổi: Đã làm việc được 30 năm; Cách tuổi nghỉ hưu do Nhà nước quy định dưới 5 năm và đã làm việc đủ 20 năm; Các trường hợp khác được nghỉ hưu sớm theo quy định của pháp luật.
Tại Australia, nhân viên đến độ tuổi nghỉ hưu tối thiểu có quyền nghỉ hưu bất cứ lúc nào bằng cách thông báo bằng văn bản cho giám đốc cơ quan. Tuổi nghỉ hưu tối thiểu là 55 tuổi hoặc cao hơn, hoặc thấp hơn theo quy định và có quyền nghỉ hưu sớm.

Tại Nhật Bản, công chức hành chính nghỉ hưu ở tuổi 60, nhưng bác sĩ có thể làm đến 65 tuổi; tại Pháp tuổi nghỉ hưu là 67 nhưng có thể kéo dài đến 75 tuổi trong một số trường hợp…
Từ kinh nghiệm của các nước, Bộ Nội vụ thấy rằng Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trong việc quy định về nghỉ hưu trước tuổi. Đối với một số lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, chuyên gia, cố vấn có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70 tuổi.
Kéo dài tuổi nghỉ hưu chỉ nên áp dụng cho chuyên môn, không giữ chức vụ lãnh đạo
Đồng tình với đề xuất kéo dài tuổi hưu với chuyên gia, cố vấn kỹ thuật, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nên tận dụng chất xám của những người có trình độ cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, nghiên cứu.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, việc kéo dài tuổi làm việc nên chỉ áp dụng cho chuyên môn, không nên giữ chức vụ lãnh đạo khi đã cao tuổi.
“Xã hội rất cần sự cống hiến của người có trình độ, còn đủ sức khỏe làm việc. Nhiều người nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục làm việc hiệu quả, thậm chí thu nhập cao hơn khi còn công tác”, ông Lợi nêu thực tế.
Việt Nam đang đối mặt với quá trình già hóa dân số và thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều ngành trọng yếu. Việc tiếp tục khai thác kinh nghiệm, tri thức của họ không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn giúp rút ngắn khoảng cách phát triển về tri thức và khoa học công nghệ.
Trong khi tuổi thọ trung bình của người dân ngày càng tăng, nhiều người đến tuổi nghỉ hưu vẫn còn sung sức, minh mẫn, thậm chí đạt độ chín muồi về chuyên môn và tư duy. Đối với những cá nhân này, việc được tiếp tục làm việc là cả một sự khích lệ tinh thần và cũng mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt.
Tuy nhiên, việc kéo dài tuổi làm việc nên có giới hạn rõ ràng. Chính sách này chỉ nên áp dụng cho các vị trí chuyên môn, nơi người lao động có thể tập trung đóng góp bằng kiến thức và kinh nghiệm.
Việc tiếp tục giữ các chức vụ lãnh đạo khi đã cao tuổi có thể ảnh hưởng đến quá trình trẻ hóa đội ngũ cán bộ, hạn chế cơ hội phát triển cho lớp kế cận, và thậm chí dẫn đến trì trệ trong đổi mới tổ chức.
Do vậy, cần tách bạch rõ ràng giữa năng lực chuyên môn và vai trò quản lý để có chính sách phù hợp, phát huy được cả nguồn lực trí tuệ của người cao tuổi lẫn sức trẻ, tinh thần đổi mới của thế hệ kế tiếp.