Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT (Bộ TT&TT) cho biết việc xếp hạng các trang web dựa trên số lượng truy cập và dịch vụ hành chính công. Mục tiêu của báo cáo này là nhằm đánh giá thực trạng các trang web và tạo không khí thi đua giữa các bộ ngành và các địa phương. Dự kiến, báo cáo về thứ hạng các website công sẽ được công bố sau 6 tháng.
Theo kết quả sơ bộ, có khoảng 59% địa phương đã triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức 1 (cung cấp thông tin thủ tục hành chính), 36% địa phương triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức hai (cung cấp các loại mẫu đơn), và 14% địa phương triển khai dịch vụ hành chính ở mức ba (điền, gửi trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ).
Không có địa phương nào triển khai dịch vụ công trực tuyến hoàn chỉnh ở mức 4 (thực hiện dịch vụ và trả kết quả trực tuyến). Ở cấp bộ ngành, cũng chỉ có vài bộ ngành đã triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến mức ba, còn lại mới chỉ dừng ở mức hai và nhiều nhất là mức một.
Các tỉnh Đồng Nai, TP.HCM, Đà Nẵng, Lào Cai và các Bộ GD-ĐT, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính được xếp nhóm đứng đầu về lượng truy cập.
Xếp hạng số lượng truy cập trong báo cáo này dựa trên đánh giá của Alexa (tổ chức độc lập chuyên xếp hạng trang web). Với trang web của các địa phương, xếp hạng số lượng truy cập còn được tính theo số dân cư (số lượng truy cập/dân cư). Xếp hạng dịch vụ công dựa trên báo cáo của các địa phương và kiểm tra thực tế của nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo của Bộ TT&TT.