Tổng Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra việc góp vốn, chuyển nhượng cổ phần, việc chấp hành quy định pháp luật tại các dự án đầu tư xây dựng... của công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng.
Công ty này bị án Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", cựu Thượng tá quân đội) từng giữ chức Chủ tịch, kiêm TGĐ.
Út 'trọc' Đinh Ngọc Hệ |
Theo kết luận, tổng công ty Thái Sơn đăng ký góp vốn bằng nguồn vốn tự có tại công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, nhưng không báo cáo và chưa có ý kiến chấp thuận của Bộ trưởng Quốc phòng, không thực hiện việc góp vốn điều lệ như cam kết.
Việc tổng công ty Thái Sơn chuyển nhượng cổ phần là thiếu khách quan, minh bạch và không đúng quy định; không thực hiện đúng, đủ vai trò, trách nhiệm của chủ sở hữu vốn nhà nước tại công ty Thái Sơn.
Trách nhiệm liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc lãnh đạo tổng công ty Thái Sơn và các đơn vị, cá nhân liên quan.
Về việc thực hiện các dự án đầu tư, kết luận thanh tra cho rằng: Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, tài liệu (như: Báo cáo tài chính, xác nhận của đơn vị kiểm toán, năng lực máy móc, thiết bị, nhân công, kinh nghiệm…) để xin vay vốn ngân hàng, tham gia dự thầu tại các dự án được thanh tra (cầu Việt Trì mới, quốc lộ 20…).
Dù vậy, công ty vẫn được các chủ đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền trình, thẩm định, phê duyệt chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, trúng thầu thi công xây lắp nhiều gói thầu, dự án với giá trị lớn.
Công ty thiếu năng lực cả về tài chính, máy móc, thiết bị, kinh nghiệm nhưng vẫn được Bộ GTVT chấp thuận giao thầu xây lắp gói thầu số 23 thuộc dự án quốc lộ 20.
Trong việc thực hiện trách nhiệm là nhà thầu xây lắp: Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không đủ năng lực, nhưng vẫn tham gia dự thầu các gói thầu xây lắp tại các dự án và được lựa chọn bằng hình thức chỉ định hoặc trúng thầu.
Sau khi được lựa chọn là nhà thầu, công ty Thái Sơn đã chuyển nhượng thầu trái quy định cho các doanh nghiệp khác để hưởng lợi. Ngoài ra, công ty còn có dấu hiệu trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước (tạm tính là 31 tỷ đồng).
Những việc làm trên là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về đấu thầu, thuế và quản lý đầu tư xây dựng.
Vẫn theo kết luận thanh tra, công ty Thái Sơn sử dụng các hóa đơn không có giá trị, báo cáo tài chính không chính xác về số liệu để vay vốn từ năm 2015 đến năm 2017 tại BIDV chi nhánh Bà Chiểu với tổng hạn mức tín dụng là 1.050 tỷ đồng.
Công ty này còn lập hồ sơ giả (gồm: hồ sơ thiết kế, dự toán, bản nghiệm thu thanh toán, các hoá đơn GTGT) tại công trình Tổng kho bia Sài Gòn, tại Z11, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM để rút vốn vay tại BIDV chi nhánh Thành Đô và Liên Việt PostBank, chi nhánh Sài Gòn, với tổng số tiền là 305 tỷ đồng... Những việc làm trên là vi phạm quy định tại luật Các tổ chức tín dụng.
Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra
Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang CQĐT của Bộ Công an để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn gồm:
Việc giả mạo hồ sơ, tài liệu; Việc thực hiện chuyển nhượng thầu sai quy định tại các dự án được lựa chọn, trúng thầu, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của dự án (trong đó, có dấu hiệu thanh toán khống khối lượng tại gói thầu số 6 thuộc dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay - cảng hàng không Pleiku);
Việc vi phạm các quy định về vay vốn ngân hàng và dấu hiệu trốn thuế, bảo hiểm.
Cuối năm 2018, Tòa án Quân sự Trung ương xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự đối với bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") và đồng phạm. HĐXX tuyên y án 10 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và 2 năm tù về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức đối với bị cáo Hệ. |
Cựu thượng tá 'Út Trọc' bị khởi tố thêm tội danh mới
Đinh Ngọc Hệ bị cáo buộc thêm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
T.Nhung