GS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học và Xã hội nhân văn Hà Nội cho biết Việt Nam như một chân trời mới cho các nhà nghiên cứu. Cách tư duy một chiều, thụ động, không phê phán... đã làm cho các công trình nghiên cứu của chúng ta trở nên khô khan, lạc lõng, thiếu tính mới và khoa học, thiếu thuyết phục.
Lời toà soạn: Dự thảo quy định tiêu chuẩn giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) vừa được Bộ GD-ĐT công bố mới đây đã gây ra nhiều tranh luận. Chủ đề chính của các cuộc tranh luận xoay quanh tiêu chí công bố ISI và Scopus đối với các ứng viên cũng như thành viên hội đồng (ngành và liên ngành).
Trong khi những người thuộc khối ngành khoa học tự nhiên - kỹ thuật (KHTN-KT) cho rằng các ứng viên và thành viên hội đồng phải có nhiều công bố ISI/ Scopus hơn, thì những ý kiến thuộc khối ngành khoa học xã hội - nhân văn (KHXH-NV) lại cho rằng, ngành này có những đặc thù và hạn chế trong việc công bố quốc tế.
VietNamNet đã có cuộc trao đổi về vấn đề công bố quốc tế trong các ngành KHXH-NV với GS.TS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG Hà Nội).
GS.TS. Phạm Quang Minh |
"Việt Nam như một chân trời mới, mảnh đất màu mỡ cho nghiên cứu"
Có ý kiến nói rằng, KHXH-NV có đặc thù nên khó công bố quốc tế hơn các ngành KHTN-KT. Là một GS ngành KHXH-NV, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
- Tôi cho rằng, công bố quốc tế trong các ngành KHXH-NV không khó hơn hoặc không khó nhiều như người ta nghĩ. Ngược lại, có nhiều thuận lợi để các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH-NV có thể có công bố quốc tế.
Một là, thực tế sinh động ở Việt Nam từ vấn đề chính trị, kinh tế, đến văn hóa xã hội, an ninh, quốc phòng... đều có thể trở thành đối tượng nghiên cứu hết sức đa dạng và phong phú. Có thể ví Việt Nam như một "chân trời mới", "mảnh đất màu mỡ", một "bảo tàng sống" cho các nhà nghiên cứu thực hiện các ý tưởng nghiên cứu của mình.
Vì vậy, rất nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH-NV thế giới đã quan tâm tới Việt Nam. Các trường hợp nghiên cứu về Việt Nam đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý thuyết, hoặc trở thành các nghiên cứu điển hình, đặc trưng.
Hai là, kể từ khi đất nước đổi mới, Chiến tranh lạnh chấm dứt, xu hướng hợp tác, giao lưu giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đã và đang phát triển rất mạnh nên ngày càng có nhiều nhà khoa học tới Việt Nam nghiên cứu và nhiều nhà khoa học Việt Nam có điều kiện giao lưu, trao đổi với nước ngoài. Từ đó, việc hình thành các ý tưởng, đề tài nghiên cứu chung hiện nay không gặp nhiều rào cản như trước và ngày một nhiều hơn.
Ba là, các ngành KHXNV cũng ngày càng có nhiều cán bộ trẻ được đao tạo bài bản ở nước ngoài. Những người này đang dần nắm vai trò quan trọng và với phương pháp nghiên cứu mới, cách tiếp cận mới được đào tạo ở nước ngoài, việc công bố quốc tế của thế hệ các nhà khoa học trẻ này cũng rất thuận lợi.
Cuối cùng, hiện nay, KHXH-NV cũng như các ngành khác đang nhận được sự hỗ trợ lớn từ phía Nhà nước thông qua các cơ chế. Chẳng hạn như Quỹ NAFOSTED sẵn sàng hỗ trợ các nhà nghiên cứu khi họ có ý tưởng tốt, có công bố quốc tế.
Với những điểm thuận lợi như trên, tôi có thể khẳng định, công bố quốc tế trong các ngành KHXH-NV không phải là khó, hay không phải điều gì đó không thể làm được.
Có ý kiến còn cho rằng, ngành KHXH-NV có sứ mệnh và nhiệm vụ chính trị riêng, do đó không thể lĩnh vực nào cũng có thể công bố quốc tế được. Quan điểm của ông ra sao?
- Là một nhà khoa học thì nhiệm vụ chính trị chính là có những nghiên cứu thật sự có chất lượng, phục vụ cho chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước. Nhiệm vụ chính trị không phải là minh họa cho chính sách, đường lối.
Nếu như các nhà khoa học có nghiên cứu chất lượng thì thế giới có thể hiểu được và hiểu đúng chủ trương, đường lối của chúng ta, để họ không hiểu sai. Và muốn nghiên cứu của mình được cộng đồng quốc tế đọc và hiểu thì đương nhiên nghiên cứu đó phải đáp ứng các chuẩn mực khoa học quốc tế. Chúng ta không thể có một nghiên cứu biệt lập tới mức không ai hiểu được.
Nhiều người cũng cho rằng đối tượng nghiên cứu của ngành KHXH-NV “nhạy cảm.” Theo tôi, đây là ý kiến bao biện, không nhìn thẳng vào vấn đề. Đối với các tạp chí khoa học uy tín như ISI, Scopus, chất lượng khoa học là yêu cầu hàng đầu, có ý nghĩa quyết định để một bài viết có được đăng hay không.
Công bố quốc tế ISI của Việt Nam lần đầu vượt ngưỡng 3.000 bài trong năm 2015 theo số liệu từ Web of Sicence do S4VN cập nhật 2/6/2016 |
Tôi vẫn thường nói với các giảng viên trong trường rằng, nếu anh nghĩ rằng bài viết của anh được coi là “nhạy cảm” thì cứ đưa cho tôi xem nó có “nhạy cảm” hay có “bí mật quốc gia” không? Cho đến nay chưa có ai đưa cả.
Trước khi anh coi bài viết của anh là “nhạy cảm”, thì nó phải là một nghiên cứu thực sự khoa học đã, phải được các chuyên gia phản biện độc lập có ý kiến về mặt khoa học đã. Các tạp chí uy tín chỉ đăng các bài đã được các phản biện độc lập đồng ý về khoa học. Việc từ chối các bài nghiên cứu trước hết chỉ vì chất lượng khoa học kém, chứ không vì tính “nhạy cảm”. Tuyệt đối không có chuyện người viết phải trả tiền phản biện cho việc đăng các bài viết của mình.
Tư duy một chiều làm chúng ta lạc lõng
Vậy theo ông, sự "đặc thù" của ngành KHXH-NV Việt Nam trong việc công bố quốc tế nên được hiểu như thế nào?
- Đúng là các ngành KHXH-NV, đặc biệt là các ngành KHXH-NV của Việt Nam, có những khó khăn nhất định dẫn đến kết quả công bố quốc tế hiện nay còn hạn chế.
Khó khăn đầu tiên của chúng ta chính là ngôn ngữ. Nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là những người thuộc thế hệ trước không thành thạo tiếng Anh, ngôn ngữ học thuật chính hiện nay trong các hệ thống danh mục công bố quốc tế như ISI/Scopus. Tuy nhiên, khó khăn về ngôn ngữ không phải là khó khăn chính.
Khó khăn lớn nhất đối với các nhà nghiên cứu thuộc ngành KHXH-NV của chúng ta chính là phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu. Chúng ta có một thời gian dài bị biệt lập, chỉ được đào tạo, giao lưu và hợp tác với các nhà khoa học thuộc khối xã hội chủ nghĩa. Đến bây giờ tình hình chính trị thế giới đã có thay đổi, không còn sự phân biệt, ngăn cách như trước, thế giới bước sang thời kỳ hội nhập thì vấn đề khoa học cũng không còn biệt lập nữa.
Cách tư duy một chiều, thụ động, không phê phán, ít thay đổi, nhiều khi hàn lâm kinh viện và thiếu công cụ để tham khảo các nghiên cứu mới, thiếu thời gian và kinh phí để nghiên cứu điền dã thực địa đã làm cho các công trình nghiên cứu của chúng ta trở nên khô khan, lạc lõng, thiếu tính mới và khoa học, thiếu thuyết phục.
Theo ông, cần có những giải pháp nào để tăng cường khả năng công bố quốc tế cho các ngành KHXH-NV?
- Đầu tiên, phải có sự nỗ lực đổi mới từ chính các nhà khoa học. Điều này rất quan trọng vì không ai có thể "cầm tay chỉ việc" Chính mỗi nhà khoa học phải thường xuyên, kiên trì, liên tục tựu đào tạo và đổi mới, sáng tạo thì mới có thể có tiến bộ.
Tiếp đó, cần phải tăng cường giao lưu, tham dự một cách tích cực và chủ động trong các tọa đàm, hội thảo quốc tế, đề xuất hợp tác với các học giả nước ngoài trong những đề tài nghiên cứu chung.
Thứ ba, các trường đại học, viện nghiên cứu cần phải có sự hỗ trợ tích cực hơn để khuyến khích các nhà khoa học công bố quốc tế.
Chẳng hạn như trường chúng tôi, bất cứ giảng viên nào có công bố quốc tế thuộc danh mục ISI, Scopus sẽ được thưởng ngay 15 triệu đồng. Trường cũng sẵn sàng hỗ trợ dịch các bài của giảng viên ra tiếng Anh, hỗ trợ biên tập và giới thiệu cho các nhà xuất bản có uy tín. Trường cũng hỗ trợ mỗi cán bộ giảng viên 500USD/ năm để tham gia các hội thảo nước ngoài nếu bài của họ được chấp nhận.
Tổng số lượng các công bố quốc tế của Việt Nam (2010-2015) và tỉ lệ các công bố quốc tế thuộc tạp chí hạng Q1 qua từng năm. (Nguồn: S4VN) |
Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, ngoài các bài báo khoa học đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI và Scopus thì các tiêu chí hiện nay đối với công bố quốc tế của ngành KHXH cũng phải tính đến các chương sách, bài viết do các nhà xuất bản có uy tín xuất bản (ví dụ như Routledge, Macmillian, Springer, Elsevier....) hoặc các bài báo trên các tạp chí uy tín của các trường đại học danh tiếng thuộc top 100 trường đại học hàng đầu thế giới.
Chẳng hạn Tạp chí Journal of Vietnamese Studies (JVS) của ĐH Califonia, Berkeley mặc dù không thuộc danh mục ISI/ Scopus song là tạp chí uy tín nhất hiện nay trong nghiên cứu Việt Nam học. Bất cứ ai có bài đăng trên tạp chí này đều được cả giới Việt Nam học thế giới biết tới.
Việc mở rộng cách hiểu công bố quốc tế theo cách như vậy chứ không chỉ giới hạn trong các tạp chí ISI/ Scopus sẽ đảm bảo tính đặc thù đối với ngành KHXH-NV.
Chẳng hạn như trong 5 năm trở lại đây, trung bình một năm cán bộ của Trường ĐH KHXH-NV công bố được khoảng 50 công trình quốc tế. Con số này bao gồm nhiều thể loại từ bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa học, đến các chương sách, sách, các bài giới thiệu sách và bằng nhiều thứ tiếng nhưng trong đó chủ yếu là tiếng Anh. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong số 50 công trình này chỉ có khoảng 5-6 bài nghiên cứu (10%) được đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus, là những tạp chí có uy tín khoa học và chỉ số ảnh hưởng cao.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nên xác định một số ngành đặc thù để khuyến khích các nghiên cứu có lợi cho Việt Nam Tôi nhất trí với quan điểm lượng hoá và nâng cao tiêu chuẩn để được công nhận GS, PGS. Việc có công trình đăng trên tạp chí thuộc ISI/ Scopus cũng có ưu điểm là đây là cơ sở dữ liệu chung được giới học thuật công nhận. Tuy nhiên, trong hệ thống này, mức độ uy tín/ chất lượng của từng tạp chí cụ thể cũng không đồng đều. Đối với Nhóm ngành KHXH-NV, để đăng một bài báo hoặc xuất bản một sách chuyên khảo thường kéo dài, có những trường hợp hàng năm trời. Trong khi đó, rủi ro có có thể xảy ra khi hiện tượng xã hội/ vấn đề là đối tượng nghiên cứu không còn phù hợp nữa. Ví dụ, việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP làm nhiều nghiên cứu liên quan đến Hiệp định này sẽ rất khó được chấp nhận đăng tải vì vấn đề TPP hiện không còn "hot" nữa. Mặt khác, có những chuyên ngành hoặc lĩnh vực nghiên cứu rất có hiệu quả cho Việt Nam, tuy nhiên, số lượng các tạp chí thuộc hệ thống ISI/ Scopus không có hoặc không có nhiều thì cũng rất khó được đăng. Theo tôi, nên xác định một số ngành đặc thù đối với Nhóm ngành KHXH-NV (ví dụ Dân tộc học, An ninh - Quốc phòng, Thể dục - thể thao...) để khuyến khích các nghiên cứu có lợi cho Việt Nam, mà có thể quốc tế không hoặc chưa quan tâm. Đối với các ngành khác thuộc nhóm ngành KHXH-NV thì tiêu chuẩn tối thiểu nên là 3 bài báo đối với GS và 1 bài báo đối với PGS trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI/ Scopus. Nên có quy định về thời hạn bổ nhiệm (ví dụ 5 năm), sau đó rà soát lại nếu ai đủ tiêu chuẩn thì tiếp tục được giữ chức danh GS, PGS. Bên cạnh đó, hầu hết các tiêu chuẩn để bổ nhiệm GS, PGS đã được lượng hoá. Do đó, cần xem lại quy định về thẩm quyền cũng như thủ tục bỏ phiếu của Hội đồng chức danh GS. Đồng thời, Dự thảo nên xác định các thành viên của Hội đồng phải đạt được tiêu chuẩn tối thiểu của GS (theo tiêu chuẩn mới) để bảo đảm tính công bằng. Về lâu dài, nên trao quyền cho các cơ sở đào tạo trong việc quyết định tiêu chí và bổ nhiệm. Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước nên xây dựng hệ thống cơ sở dự liệu giống như ISI/ Scopus của Việt Nam để các cơ sở đào tạo tham khảo. TS. Phạm Trọng Nghĩa, Nghiên cứu sinh Sau Tiến sĩ của Chương trình nghiên cứu Lãnh đạo toàn cầu giữa ĐH Oxford, Vương quốc Anh và ĐH Princeton, Hoa Kỳ |
Lý lịch khoa học của GS.TS Phạm Quang Minh Các hướng nghiên cứu và giảng dạy chính: Quan hệ quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Việt Nam; Chính trị học và thể chế chính trị so sánh. Ông là tác giả của 6 cuốn sách và giáo trình phục vụ đào tạo đại học, sau đại học bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Đức, cùng 76 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước. Ông có 10 chương trình, đề tài nghiên cứu đã và đang thực hiện, như: Những giải pháp chủ yếu đối với thông tin đối ngoại của thành phố Hà Nội đến năm 2020 (từ năm 2014 – 2015); Quá trình hình thành kiến trúc an ninh mới của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và tác động đến Việt Nam (2014 - 2016); In search of an ASEAN Identity (2010 - 2011); Quá trình hình thành chính sách đối ngoại đổi mới của Việt Nam từ năm 1986 đến nay (2009 - 2011); Sự biến động khu vực địa chính trị Đông Á hai thập niên đầu thế kỉ XXI (2008 - 2010); The EU through the Eyes of Asia (2007 - 2009); Trào lưu cải cách ở Xiêm và Việt Nam cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX: Những nguyên nhân thành bại (2005 - 2006)... |
Lê Văn thực hiện