Tại phiên họp triển khai đánh giá xét chọn các đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực KHXH&NV năm 2017, đợt 1 của Quỹ Nafosted diễn ra vào sáng 25/4, chủ đề công bố quốc tế một lần nữa lại được hâm nóng.
Trong phiên họp ra mắt các hội đồng khoa học ngành và liên ngành KHXH&NV Quỹ Nafosted nhiệm kỳ 2016-2018 hồi tháng 7/2016, các thành viên đã thống nhất ý kiến: cần có công bố quốc tế hay xuất bản sách, chương sách tại các nhà xuất bản uy tín của quốc tế.
Tuy được áp dụng từ năm 2016 nhưng trong phiên họp ngày 25/4, tiêu chí này vẫn tiếp tục được đưa ra bàn luận. Về cơ bản, hầu hết các ý kiến đều tán thành chủ trương phải có công bố quốc tế bởi về lâu dài nó sẽ góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu của các ngành KHXH&NV, còn trước mắt, theo nhận xét của GS. TS Lê Huy Bắc (ĐH Sư phạm HN), thành viên hội đồng ngành Văn học, Ngôn ngữ học thì “đề tài được Quỹ tài trợ khoảng 700 đến 800 triệu đồng mà không có công bố quốc tế thì thật lãng phí”.
Không thể cưỡng lại xu thế
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số quan điểm thận trọng và e ngại rằng những vấn đề “nhạy cảm” trong một số lĩnh vực nghiên cứu như tôn giáo, chính trị sẽ khó “chạy đua” với lĩnh vực KHTN về tiêu chí công bố quốc tế. GS. TS Lê Hữu Nghĩa (Học viện Chính trị Quốc gia HCM), Chủ tịch Hội đồng khoa học liên ngành Triết học – Chính trị học - Xã hội học, đã nêu một số khó khăn mà các nhà nghiên cứu ngành KHXH&NV có thể gặp phải như khó khăn trong việc đăng bài hoặc có thể đăng bài quốc tế được nhưng tạp chí trong nước chưa chắc đã chấp nhận… vì đề cập đến vấn đề “nhạy cảm”, khu biệt.
Thảo luận về quan điểm này, PGS. TS Nguyễn Thị Hiền (Viện Nghiên cứu văn hóa, Bộ VHTTDL), thành viên hội đồng Văn hóa học - nghiên cứu nghệ thuật - Thông tin đại chúng và Truyền thông, cho rằng, việc khó công bố quốc tế không phải hẳn là do công trình nghiên cứu về vấn đề "nhạy cảm" của Việt Nam mà do người viết.
Từ góc độ một nhà nghiên cứu về văn hóa và tín ngưỡng dân gian đã có nhiều công bố quốc tế và xuất bản sách ở Mỹ, chị nhận thấy ở đây có hai vấn đề:
1. Công trình nghiên cứu chưa theo được những tiêu chuẩn chung của học thuật quốc tế; 2. Bài viết chưa đủ hàm lượng khoa học, vấn đề nghiên cứu chưa ăn nhịp với những nghiên cứu trong các lĩnh vực tôn giáo, lịch sử, triết học… của đồng nghiệp quốc tế. Tạp chí quốc tế nào cũng khuyến khích nhà nghiên cứu nộp bài và không giữ thái độ thiên kiến với bất cứ ai, "miễn là bài viết có đạt chuẩn quốc tế hay không".
Đồng tình với quan điểm của PGS. TS Nguyễn Thị Hiền, TS. Trần Quang Tuyến (Đại học Kinh tế, ĐHQGHN), thành viên hội đồng ngành Kinh tế học, cũng nêu kinh nghiệm của anh và đồng nghiệp khi nghiên cứu và công bố trên các tạp chí chuyên ngành. “Trên thế giới có rất nhiều tạp chí về triết học, chính trị học, văn hóa…, xuất bản ở nhiều thứ tiếng. Vì thế thay vì lo vấn đề nhạy cảm, chúng ta chỉ cần lo mình có đủ dữ liệu tốt không, viết có đủ hàm lượng khoa học hay không”.
PGS. TS Nguyễn Thị Hiền bổ sung thêm, chậm hòa nhập với cộng đồng quốc tế dẫn đến kết quả là "chúng ta công bố vẫn còn quá ít nên thế giới mới chỉ biết đến chúng ta trong thời kỳ chiến tranh chứ không biết đến chúng ta từ thời kỳ Đổi mới đến nay như thế nào". Vì vậy, việc thúc đẩy công bố quốc tế và quốc tế hóa hoạt động nghiên cứu là một việc cần đẩy mạnh và theo PGS. Hiền, "Việt Nam càng có nhiều công bố quốc tế, càng có nhiều sách và chương sách được xuất bản thì thế giới càng biết nhiều hơn về Việt Nam".
Cần mở rộng danh mục tạp chí quốc tế
Bàn về vấn đề xuất bản công bố trên các tạp chí quốc tế có khó hay không, GS. TS Bùi Thế Cường (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), thành viên Hội đồng khoa học liên ngành Triết học – Chính trị học - Xã hội học liên hệ với một thực tế đang diễn ra: tương tự như các hội đồng ngành KHXH&NV Quỹ Nafosted, Hội đồng CDGSNN cũng bàn bạc về danh mục tạp chí quốc tế, phân loại và lựa chọn thế nào cho đúng. Ông cho rằng, để thuận lợi cho công việc xét duyệt của các hội đồng ngành, cần phải có một danh mục tốt hơn ngay từ bây giờ, tránh để lọt những tạp chí tốt ngoài danh mục. Ông lấy ví dụ một vài tạp chí chất lượng tốt của Nhật Bản, “nếu nhà nghiên cứu Việt Nam nào được đăng bài trên đó cũng là tốt” nhưng không nằm trong hệ thống ISI, Scopus. Vì vậy theo ông, bên cạnh việc có được danh mục chuẩn, “cần trao quyền hạn và trách nhiệm cho hội đồng ngành xét duyệt, thẩm định đề xuất, đề tài”.
Việc mở rộng danh mục tạp chí quốc tế nhận được sự đồng thuận của rất nhiều nhà nghiên cứu có mặt trong phiên họp. PGS. TS Nguyễn Thị Hiền đề nghị, mở rộng danh mục với việc bổ sung thêm số lượng tạp chí của 100 trường đại học hàng đầu châu Á, châu Âu sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho các nhà nghiên cứu là chủ trì đề tài do Quỹ Nafosted tài trợ hơn.
Tuy nhiên, việc yêu cầu phải có công bố quốc tế cũng cần có lộ trình thực hiện, đó là quan điểm của GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ. Ông cho rằng, có được cách làm đúng sẽ góp phần tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV. GS. TS Lê Hữu Nghĩa liên hệ với chủ trương của HĐCDGSNN là dự kiến áp dụng tiêu chí mới vào năm 2019 và đề nghị Quỹ Nafosted nên học tập cách làm này.
Yêu cầu phải có công bố quốc tế có nhiều thách thức với nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trẻ. TS. Nguyễn Việt Cường (Viện Chính sách Công và Quản lý, ĐH Kinh tế Quốc dân), thành viên hội đồng ngành Kinh tế học dẫn ra những khó khăn của các nhà nghiên cứu trẻ khi chưa có phương pháp nghiên cứu, chưa biết thiết kế nghiên cứu và viết bài báo như thế nào cho đúng chuẩn mực quốc tế… Vì vậy anh đề xuất Quỹ nên tổ chức nhiều khóa hướng dẫn các nhà nghiên cứu trẻ, mời các nhà khoa học quốc tế hoặc một số nhà khoa học Việt Nam có nhiều kinh nghiệm công bố và viết sách đứng lớp.
Về đánh giá xét chọn các đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực KHXH&NV năm 2017, đợt 1 của Quỹ Nafosted, Quỹ nhận được 42 hồ sơ đăng ký tài trợ ở bảy ngành và liên ngành, trong đó một nửa là hồ sơ ngành Kinh tế với 22 hồ sơ. Ba ngành không có hồ sơ là triết học, đạo đức học và tôn giáo; lịch sử học và khảo cổ học; địa lý kinh tế và xã hội.
Theo Thanh Nhàn (Tia Sáng)