Theo BBC, các nhà điều tra của cảnh sát biển Mỹ cho biết, tin nhắn trên là một trong số những thông tin liên lạc cuối cùng giữa tàu lặn Titan và tàu mẹ của nó trước khi mất liên lạc vĩnh viễn.
Trong phiên điều trần ngày 16/9 của cảnh sát biển Mỹ về thảm kịch tàu lặn Titan, lần đầu tiên ảnh chụp về chóp đuôi của tàu lặn Titan do một phương tiện điều khiển từ xa ghi lại đã được trình chiếu.
Tháng 6/2023, tàu lặn Titan phát nổ khi đang thực hiện chuyến thăm xác tàu ngầm Titanic. Một cuộc điều tra kéo dài 15 tháng đã được triển khai nhằm làm sáng tỏ sự thật về vụ việc và đưa ra các khuyến nghị để ngăn ngừa các thảm kịch tương tự.
Các nhà điều tra đã trình bày một bản tái hiện hành trình, bao gồm tin nhắn giữa tàu lặn Titan và tàu mẹ Polar Prince. Titan bắt đầu lặn lúc 9h17 giờ địa phương và đội ngũ hỗ trợ trên tàu mẹ đã hỏi về độ sâu và trọng lượng của tàu, cũng như liệu tàu Titan có thể vẫn nhìn thấy tàu mẹ trên màn hình hiển thị của tàu hay không.
Việc liên lạc không ổn định, nhưng sau khoảng một giờ lặn, Titan đã nhắn tin "mọi thứ đều ổn". Tin nhắn cuối cùng được tàu lặn Titan gửi lúc 10h47 ở độ sâu 3.346m dưới nước, nói rằng nó đã thả hai vật nặng. Sau đó, liên lạc đã bị mất.
Theo các nhà điều tra, thân tàu chưa bao giờ trải qua các cuộc thử nghiệm của bên thứ ba và trong thời gian 2021-2022, trong suốt 13 lần lặn xuống gần xác tàu Titanic, tàu lặn Titan đã gặp 118 sự cố về thiết bị. Theo đó, mái vòm phía trước của tàu bị rơi khi được đưa lên khỏi mặt nước, bộ đẩy từng bị hỏng ở độ sâu 3.500m và có lần pin hỏng khiến hành khách mắc kẹt bên trong suốt 27h.
Tym Catterson, cựu nhà thầu của OceanGate - công ty sản xuất tàu lặn Titan, thừa nhận không cảm thấy thoải mái khi xuống biển bằng tàu lặn Titan. "Tôi cho rằng nhựa composite không phải là vật liệu phù hợp cho một con tàu phải chịu áp suất lớn. Tôi có nghi ngờ và đã có ý kiến song Giám đốc điều hành của OceanGate là Stockton Rush cho rằng tính toán của tôi không khớp với những gì các kỹ sư khác đưa ra".