Năm học 2018 – 2019 là năm thứ 11 cuộc thi kiến thức trên mạng Internet được FPT tổ chức cho đối tượng học sinh phổ thông (Ảnh minh họa: Ban tổ chức) |
ViOlympic là cuộc thi cấp quốc gia về Toán học và Vật lí trên Internet do FPT tổ chức. Cuộc thi dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên toàn quốc. Trong năm học 2018 – 2019, năm thứ 11 cuộc thi được tổ chức, mặc dù vẫn giữ nguyên các môn thi gồm Toán tiếng Việt, Toán tiếng Anh, và Vật lí, cuộc thi ViOlympic đã được rút gọn chỉ còn 10 vòng thi, gồm 6 vòng tự luyện, 3 vòng thi các cấp (trường, quận/huyện/thị xã, tỉnh/thành phố) và vòng cuối cùng là vòng thi cấp quốc gia.
Thời điểm hiện tại, cuộc thi đã hoàn tất vòng thi thứ 9 và đang trong quá trình chuẩn bị cho vòng thi cuối cùng – vòng số 10. Theo kế hoạch của Ban tổ chứ, thời gian để các đơn vị giáo dục đăng ký thành lập cụm thi tổ chức vòng thi quốc gia ViOlympic năm học 2018-2019 sẽ kéo dài đến hết ngày 25/3/2019.
Diễn ra trong cùng ngày 7/4/2019 với cả 3 môn thi Toán tiếng Việt, Toán tiếng Anh và Vật lí, vòng thi quốc gia cuộc thi ViOlympic năm học 2018 – 2019 dành cho học sinh ở 5 khối lớp gồm 4, 5, 8, 9 và 12 đủ điều kiện tham dự vòng thi quốc gia (đã vượt qua 9 vòng thi đầu) và có tên trong danh sách dự thi của các cụm thi.
Theo lịch thi cụ thể mới được Ban tổ chức công bố, nội dung thi đầu tiên ở vòng quốc gia ViOlympic năm học 2018 – 2019 là Toán tiếng Việt của khối lớp 5, bắt đầu từ 8h và kết thúc vào 8h45 ngày 7/4; và nội dung thi hoàn thành cuối cùng là ViOlympic Toán tiếng Việt của khối lớp 12, với thời gian thi từ 16h – 16h45 ngày 7/4/2019.
Cùng với việc công bố lịch thi cụ thể vòng thi cấp quốc gia, thông báo mới nhất của Ban tổ chức cũng đưa ra một số lưu ý với cán bộ phụ trách cụm thi và học sinh tham gia vòng thi cuối cùng của ViOlympic năm học 2018 – 2019.
Cụ thể, với học sinh, Ban tổ chức lưu ý, học sinh dự thi vòng quốc gia cần hoàn thành hết vòng số 9 của các môn thi trước 0h ngày 7/4/2019, nếu không hoàn thành điều kiện trên sẽ không được tham gia vòng quốc gia năm học 2018 – 2019. Học sinh chỉ được mang bút chì, com-pa, thước kẻ, bút mực, bút bi, máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản.
Học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 không được phép mang bất kỳ loại máy tính cầm tay nào vào phòng thi, không được sử dụng phần mềm giả lập máy tính cầm tay có sẵn trong máy tính hoặc trên mạng, không được sử dụng công cụ bảng tính Excel để hỗ trợ làm bài thi. Tất cả thí sinh không được phép sử dụng bất cứ công cụ tìm kiếm (bing, google...) cũng như công cụ, phần mềm dịch nào trong quá trình làm bài thi.
“Trong quá trình làm bài thi, nếu thí sinh cố ý rời khỏi màn hình bài thi để mở sang các trang khác hoặc đăng nhập tài khoản trên hai máy tính khác nhau thì hệ thống sẽ tự động khóa lại, thí sinh sẽ không thể thi tiếp. Sau khi hoàn thành bài thi học sinh cần kiểm tra các thông tin về ngày, tháng, năm sinh, kết quả thi của mình và ký nhận vào biên bản kết quả”, thông báo của Ban tổ chức nêu rõ.
Với cán bộ phụ trách cụm thi, thông báo của Ban tổ chức cho hay, các cán bộ phụ trách tại các cụm thi sẽ có trách nhiệm thông báo về địa điểm thi; kiểm tra, rà soát và công bố danh sách học sinh tham dự tại địa điểm của mình để các thí sinh nắm được thông tin về ngày thi và địa điểm thi; chuẩn bị cơ sở vật chất cho vòng thi: kiểm tra đường truyền Internet, khuyến cáo sử dụng trình duyệt Google Chrome, Firefox, Cốc Cốc…
Mã thi sẽ được gửi thông qua mail cho các cán bộ phụ trách cụm thi. Những trường hợp học sinh bị sự cố về máy tính, mất kết nối Internet thì các giám thị cần báo ngay cho Ban tổ chức để can thiệp kịp thời cho học sinh thi lại trên máy khác.