Nỗ lực vì một không gian mạng Việt Nam an toàn, lành mạnh
“Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” là chiến dịch vì cộng đồng, hướng tới cá nhân, doanh nghiệp; cung cấp các công cụ kiểm tra, xử lý và bóc gỡ mã độc nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng trên không gian mạng Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT chính thức phát động từ ngày 18/9, chiến dịch rà quét và bóc gỡ mã độc được triển khai trên diện rộng.
Chiến dịch cũng có sự đồng hành của đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước như VNPT, Viettel, BKAV, FPT, CMC, Hanoi Telecom, NetNam, SCTV, SPT, Kaspersky, Bitdefender, Eset, F-Secure, FireEye, Group IB... Các phần mềm phòng chống mã độc được cập nhật, cho phép sử dụng miễn phí qua website https://khonggianmang.vn
Mục tiêu cụ thể của chiến dịch rà soát và bóc gỡ mã độc quy mô lớn này là giảm 50% tỷ lệ lây nhiễm mã độc và giảm 50% địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong 10 mạng botnet phổ biến. Việt Nam không còn nằm trong báo cáo của các hãng về tỷ lệ lây nhiễm mã độc trong khoảng thời gian nhất định, thời gian dự kiến là kéo dài trong 2 tháng.
Theo Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số VIDTI, trong thời kỳ chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, dữ liệu vừa là tài sản chiến lược vừa tiềm ẩn những rủi ro liên quan đến an toàn và bảo mật.
Vì thế, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn đánh giá cao chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” bởi tính thiết thực cũng như sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng, giúp nâng cao ý thức an toàn thông tin từ cá nhân đến doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức.
Ông Trần Quang Hưng, quyền Giám đốc NCSC, đơn vị chủ trì triển khai chiến dịch chia sẻ: “Chiến dịch này là bước khởi đầu của Trung tâm NCSC thuộc Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT trong nỗ lực vì một không gian mạng Việt Nam an toàn và lành mạnh, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia thành công bền vững. Tiếp sau các hoạt động của chiến dịch, chúng tôi vẫn tăng cường rà soát và xử lý mã độc hại một cách thường xuyên để trở thành một quá trình liên tục”.
Đã có trên 100.000 máy tính bị nhiễm mã độc được hỗ trợ xử lý
Trong thông tin chia sẻ với ICTnews ngày 1/10, đại diện NCSC chia sẻ, sau hơn 10 ngày triển khai, chiến dịch đã nhận được sự hưởng ứng lớn từ cộng đồng. Cụ thể, qua gần 2 triệu lượt tiếp cận đến cộng đồng qua cả web và mạng xã hội, nhiều cá nhân, tổ chức đã tham gia truy cập, rà soát và bóc gỡ miễn phí cho hàng ngàn máy tính của cá nhân, doanh nghiệp bị nhiễm mã độc/botnet. Cùng với đó, đã có hàng trăm lượt chia sẻ, phản hồi tích cực được gửi về NCSC.
Theo số liệu thống kê của NCSC, hiện đã có hơn 300.000 lượt tham gia rà quét. Tổng số máy tính bị lây nhiễm mã độc được các đơn vị tham gia chiến dịch phát hiện và hỗ trợ bóc gỡ là hơn 100.000 máy, chiếm gần 1/3 tổng số máy được rà soát.
Chiến dịch bước đầu có thể coi là thành công, tuy nhiên vẫn chưa đạt được mức lan tỏa đến tất cả người dùng Internet Việt Nam như kỳ vọng. Hiện tại, vẫn còn một số hạn chế như: có quá nhiều người phản hồi và gửi câu hỏi, trong khi nhân sự có hạn nên chưa hỗ trợ giải đáp thắc mắc liên tục 24/7. Cơ sở dữ liệu cần được mở rộng để rà soát mã độc triệt để hơn trong giai đoạn sau.
“Chiến dịch dự kiến kéo dài đến hết tháng 10, chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa, tập trung nguồn lực tối ưu hóa trong công tác tiếp cận người dùng để cả cộng đồng nêu cao tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thông tin và sử dụng công cụ miễn phí trong chiến dịch nhằm bảo vệ an toàn, an ninh mạng cho cá nhân cũng như tổ chức”, đại diện NCSC thông tin.
Đặc biệt, để hỗ trợ công tác đo lường kết quả triển khai chiến dịch cũng như tạo thuận tiện cho mọi người theo dõi, trên trang web https://khonggianmang.vn/chiendich2020, NCSC vừa cho ra mắt bản đồ thời gian thực về kết quả rà soát mã độc theo vùng trên lãnh thổ Việt Nam và biểu đồ thực trạng triển khai chiến dịch theo các khu vực Bắc – Trung – Nam.
Từ các số liệu được hiển thị trên bản đồ, biểu đồ, người xem có thể biết được tương quan số máy tính nhiễm mã độc được rà soát, bóc gỡ giữa các vùng, địa phương; qua đó phần nào nắm được kết quả của chiến dịch rà soát và bóc gỡ mã độc quy mô lớn đang được NCSC cùng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng triển khai.
“Ngoài ra, nhìn vào biểu đồ, người dùng có thể thấy được tỷ lệ số máy bị nhiễm mã độc trên tổng số IP tham gia rà quét là khá lớn, chiếm khoảng 1/3. Vì thế, người dùng cần cảnh giác hơn trước nguy cơ bị lây nhiễm mã độc”, đại diện NCSC chia sẻ.
Vân Anh
Mã độc tống tiền đang gia tăng mạnh trong năm 2020
Theo dữ liệu mới được công bố từ các nhà nghiên cứu an ninh mạng cho thấy, số cuộc tấn công từ mã độc tống tiền (ransomware) trong năm 2020 đã tăng 7 lần so với một năm về trước.