Ngày hội chung kết cuộc thi “Em yêu khoa học - Tài năng công nghệ nhí năm học 2018 - 2019” diễn ra ngày 1/6/2019 sẽ quy tụ các thí sinh xuất sắc về Khoa học công nghệ, sáng tạo lập trình trên cả nước (Ảnh minh họa) |
Cuộc thi “Em yêu khoa học - Tài năng công nghệ nhí năm học 2018 - 2019” chủ đề “Minecraft Hackathon - Thành phố thông minh” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Hội đồng Đội Trung ương cùng Học viện Sáng tạo Công nghệ TEKY và Microsoft Việt Nam tổ chức.
Với chủ đề: “Minecraft Hackathon - Thành phố thông minh”, cuộc thi Tài năng công nghệ nhí là hoạt động mới lạ với quy mô lớn, trải rộng trên địa bàn cả nước dành cho học sinh từ 8 – 15 tuổi.
Theo Ban tổ chức, sau 6 tháng phát động, cuộc thi đã tiếp cận hơn 1 triệu học sinh trên toàn quốc, thu hút hàng chục ngàn phụ huynh, học sinh và giáo viên quan tâm, 500 trường học trên cả nước có thông tin và đăng kí tham gia. Tính đến hết ngày 15/4/2019, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được gần 500 lượt đăng kí tham gia và nộp sản phẩm với trên 1.200 thí sinh từ mọi miền đất nước.
Thời gian qua, Ban Tổ chức, Ban giám khảo sơ loại cũng đã làm việc tích cực để lựa chọn ra 75 sản phẩm với 250 thí sinh xuất sắc sẽ dự thi chung kết và trình bày sản phẩm của mình. Ngày hội chung kết cuộc thi “Em yêu khoa học - Tài năng công nghệ nhí năm học 2018 - 2019” diễn ra ngày 1/6/2019 sẽ quy tụ các thí sinh xuất sắc về Khoa học công nghệ, sáng tạo lập trình trên cả nước.
Theo kế hoạch, vào sáng ngày 1/6 tới, các thí sinh sẽ tham gia hoạt động Báo công, dâng hương tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ây cũng là dịp để các học sinh, thiếu nhi bồi dưỡng tinh thần yêu nước và sẵn sàng học tập, xây dựng tổ quốc. Tiếp đó, vào chiều ngày 1/6, Triển lãm “Em yêu khoa học” sẽ được tổ chức để 75 đội/nhóm thi triển lãm, thuyết trình sản phẩm của mình trước Ban giám khảo.
Bên cạnh đó, chương trình triển lãm sẽ có sự tham gia của hàng chục doanh nghiệp trưng bày các giải pháp về giáo dục, các sản phẩm, dịch vụ áp dụng công nghệ vào sản xuất, sinh hoạt, và xây dựng thành phố, đô thị thông minh. Đây là cơ hội rất tốt để các học sinh, giáo viên tham gia giao lưu, học hỏi và trải nghiệm các hoạt động sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và tìm hiểu sâu về giáo dục STEM.
Đặc biệt, chương trình Gala Chung kết tối ngày 1/6, sẽ quy tụ các sản phẩm xuất sắc nhất, trình bày giải pháp “Smart City – Thành phố thông minh” trên nền tảng lập trình Minecraft để chọn ra Đội vô địch của cuộc thi. Đêm Gala cũng là buổi lễ tổng kết, vinh danh các đơn vị tham gia, đồng hành cùng chương trình.
Chủ đề cuộc thi năm nay là “Thành phố thông minh”, sản phẩm lập trình ngôn ngữ Makecode – Minecraft, Tynker – Minecraft và Python – Minecraft. Các đội/nhóm tham gia thực hiện xây dựng thành phố thông minh với các toà nhà, văn phòng, công sở, nhà ở, đường phố… có ứng dụng CNTT, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.
Với tiêu chí đánh giá sản phẩm tham gia sân chơi dựa trên ý tưởng mới lạ, độc đáo, phần lập trình thông minh và phù hợp với thực trạng xã hội hiện tại, giải quyết các vấn đề thực tế, giao diện thân thiện và dễ sử dụng, các đội thi đã có những bài thi rất ý nghĩa mang tính chất xã hội như: Xây dựng công viên cây xanh, hệ thống xử lý nước sinh hoạt, hệ thống quản lý ánh sang đô thị, hay các công trình công năng tự động hoá, phương tiện giao thông hiện đại…Các bài thi đều có ý nghĩa thực tế và là những điểm nóng của xã hội hiện nay.
Toàn bộ sản phẩm tham gia Chung kết cuộc thi đã được đăng tải trên website chính thức của chương trình tại địa chỉ: https://minecraft-hackathon.com/submission/. Tại đây, Ban tổ chức cũng tổ chức hoạt động bình chọn trực tuyến từ ngày 18/4 – 30/4 để tất cả khán giả, phụ huynh, giáo viên và các bạn học sinh có thể chọn ra sản phẩm xuất sắc nhất theo tiêu chí của riêng mình.
Bà Nguyễn Phạm Duy Trang, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội Trung ương cho biết: “Những bài dự thi năm nay có nhiều ý nghĩa và thực tế. Điều đó cho thấy qua cuộc thi này, học sinh không những có một sân chơi bổ ích mà còn học hỏi rất nhiều điều thú vị từ cuộc sống, khuyến khích các em tư duy ứng dụng thực tế cuộc sống, hoàn thiện các kỹ năng cần thiết. Ngoài ra đây cũng là sân chơi để các em mở rộng mối quan hệ bạn bè, đội nhóm, tạo cộng đồng học sinh yêu thích công nghệ và ứng dụng công nghệ trong cuộc sống.”
Theo ông Kiều Mạnh Tiến – Phó Ban tổ chức, Giám đốc điều hành Học viện Teky, mặc dù cuộc thi chỉ mới tổ chức năm đầu tiên nhưng được rất nhiều các học sinh tham gia và nhiều cộng đồng trường học các tỉnh thành quan tâm. “Chúng tôi hi vọng rằng cuộc thi mang đến một sự thay đổi tích cực cho trẻ em Việt Nam, khơi dậy niềm đam mê theo đuổi về công nghệ để sánh vai cùng các nước trên thế giới", ông Tiến chia sẻ.