Theo thống kê, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra một vụ đình công tại Công ty TNHH MTV Giày Lập Thạch, với khoảng 3.000 người tham gia. Ngoài ra, có 10 vụ, việc kiến nghị của người lao động tại 10 doanh nghiệp liên quan đến chế độ lương, thưởng, phụ cấp, thời gian làm việc…

Từ đầu năm 2021, với sự vào cuộc chủ động của Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh, số vụ đình công của công nhân, người lao động không còn xuất hiện. Đáng chú ý, số vụ, việc kiến nghị của người lao động trong 10 tháng đầu năm 2021 đã giảm 20% so với cùng kỳ năm 2020.

{keywords}
 Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho công nhân, người lao động tại Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam

Phòng An ninh kinh tế đã kịp thời nắm tình hình, giải quyết sớm các vụ, việc kiến nghị của công nhân, người lao động nên tình hình an ninh trật tự trên địa bàn các khu, cụm công nghiệp luôn được đảm bảo. Công nhân, người lao động và các doanh nghiệp yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế.

Thiếu tá Vũ Đức Thắng, Đội Trưởng Đội An ninh kinh tế tổng hợp, Phòng An ninh kinh tế cho biết: nguyên nhân chính để xảy ra các vụ đình công, lãn công đều xuất phát từ mâu thuẫn lợi ích giữa công nhân, người lao động với chủ doanh nghiệp.

“Một số doanh nghiệp còn chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến lợi ích của người lao động, chưa thực sự chấp hành, hoặc chấp hành chưa nghiêm túc quy định của pháp luật, nhất là Luật Lao động, Luật Đầu tư, Luật BHXH... Bên cạnh đó, một số người lao động còn hạn chế về nhận thức, đặc biệt là các kiến thức về pháp luật. Do đó, khi bị xúi giục còn đòi hỏi những quyền lợi chưa chính đáng, không theo quy định nào”, Thiếu tá Thắng nhìn nhận.

Với phương châm “chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời, giải quyết sớm các vụ, việc đình công, lãn công”, Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh đã phân công cụ thể 366 địa bàn, cơ sở cho hơn 20 cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị. Qua đó, yêu cầu các lực lượng chủ động nắm tình hình dư luận, tư tưởng của người lao động cũng như các chủ trương, chính sách của doanh nghiệp trong việc giải quyết các chế độ chính sách cho công nhân, người lao động.

Đồng thời, kịp thời tham mưu, hướng dẫn chủ cơ sở, doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và giải quyết tốt các chế độ, chính sách cho người lao động. Trong năm 2021, Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh đã kịp thời giải quyết, tháo gỡ sớm nhiều vụ việc công nhân, người lao động tập trung đông người, ngừng việc làm bất hợp pháp.

Điển hình, trong tháng 10/2021, gần 2.100 công nhân, người lao động Công ty TNHH Vina Korea, địa chỉ ở KCN Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên ngừng việc bất hợp pháp, đòi công ty tăng lương. Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh đã kịp thời nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh tham mưu lãnh đạo công ty đưa ra các phương án giải quyết phù hợp. Ngay sau đó 100% công nhân, người lao động đã quay trở về làm việc bình thường không để xảy ra tình trạng đình công, lãn công, gây rối ANTT.

Trung bình hàng năm, Phòng An ninh kinh tế đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức hàng 100 buổi phổ biến các kiến thức pháp luật, các chế độ chính sách…cho hàng nghìn công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh.

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các buổi tuyên truyên, phổ biến kiến thức tập trung được thay thế bằng việc thành lập các nhóm Zalo. Thành phần trong các nhóm Zalo đều có lãnh đạo, cán bộ phụ trách địa bàn, cơ sở của Phòng An ninh kinh tế với lãnh đạo, trưởng các bộ phận hành chính nhân sự, chủ tịch công đoàn cơ sở của các doanh nghiệp.

Trong mỗi doanh nghiệp, mỗi bộ phận sản xuất đều được Phòng An ninh kinh tế hướng dẫn thành lập thêm các nhóm Zalo để kịp thời chia sẻ các thông tin pháp luật, chế độ chính sách cũng như các thông tin liên quan đến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19…đến từng người công nhân, lao động.

Bên cạnh đó, Phòng đã hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập mô hình “4 an toàn” về an ninh trật tự. Qua 2 năm triển khai, Phòng An ninh kinh tế đã hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thành lập 69 mô hình “4 an toàn”, nhiều mô hình hoạt động rất hiệu quả, kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự trong các công ty, doanh nghiệp.

Thường xuyên phối hợp các cấp, các ngành đánh giá, có biện pháp củng cố bộ máy nhân sự, các tổ chức đoàn thể ở các doanh nghiệp, nhất là công đoàn có đủ uy tín, trình độ, năng lực để có thể giải quyết được những thắc mắc của công nhân theo quy định của pháp luật và nội quy của doanh nghiệp, tạo ra sự đồng thuận cao trong giữa công nhân, người lao động với chủ doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, tình hình an ninh công nhân trong các doanh nghiệp còn tiềm ẩn phức tạp, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các vấn đề dễ dẫn đến bức xúc của người lao động để lôi kéo, kích động công nhân đình công, lãn công, tuần hành, biểu tình gây phức tạp về an ninh trật tự.

Hà An