BS Nguyễn Tài Dũng, khoa Tai – Mũi – Họng, BV Trung ương Quân đội 108 cho biết, bệnh nhi Nguyễn Bảo Q., 7 tuổi ở Hà Nội được cha mẹ đưa đến viện khám do thường xuyên chảy máu cam bên mũi trái suốt 3 tuần nay với lượng ít, tự cầm.

Cháu cho biết không thấy ngạt mũi hay khó chịu trong mũi. Khi nội soi kiểm tra, bác sĩ phát hiện một con vắt nằm trong hốc mũi trái bệnh nhi, che kín khe mũi giữa và khe mũi trên.

{keywords}

Con vắt được gắp ra khỏi mũi bệnh nhi

 

Sau gây tê tại chỗ, bác sĩ nhẹ nhàng gắp con vắt ra ngoài, chiều dài khoảng 3 cm, vẫn còn ngoe nguẩy.

Tại vị trị vắt hút máu, có chảy máu nhưng sau đó tự cầm. Bệnh nhi được về nhà ngay trong ngày.

Khi hỏi kĩ, bé trai cho biết, cách đây gần 1 tháng có đi bơi ở suối vùng núi phía Bắc. Đây chính là nguyên nhân khiến vắt chui vào mũi và sống ký sinh tại đây.

BS Dũng khuyến cáo, người dân sống hoặc sau khi đi du lịch ở vùng núi rừng ẩm ướt nơi có nhiều vắt, nếu có chảy máu mũi hoặc ho kéo dài nên soi tai, mũi, họng hoặc phế quản để loại trừ vắt, đỉa.

“Ban đầu chúng có thể nhỏ chỉ vài milimet, khó nhận biết, nhưng nếu uống nước suối chưa sôi, tắm suối... có nguy cơ các con vật này chui vào mũi, họng, khí phế quản, sau một thời gian hút máu chúng sẽ lớn rất nhanh và gây các triệu chứng bệnh tại đường hô hấp”, BS Dũng cảnh báo.

Thúy Hạnh

Gắp một con vắt sống trong mắt bệnh nhân 8 tuổi

Gắp một con vắt sống trong mắt bệnh nhân 8 tuổi

Sáng 17/6, bác sĩ ở Phòng khám đa khoa Đoàn Kết huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) gắp một con vắt sống ký sinh trong mắt bệnh nhi.