- "Chuẩn bị cho con vào lớp 1, dù lúc ấy chưa đọc qua bất cứ bài viết nào về việc dạy trẻ sớm, bồi dưỡng tố chất cho trẻ nhưng tôi có một niềm tin mơ hồ mà mãnh liệt rằng càng dạy con biết chữ sớm thì càng tốt cho sự phát triển trí não của con...." Độc giả Dư Phương Liên (Hà Nội) chia sẻ chuyện dạy con.
Chuẩn bị
Để sẵn sàng cho con vào lớp 1, hay đúng hơn là để chuẩn bị cho con bước vào sự học chính thức và đầy gian nan của cuộc đời, tôi đã có ý thức dạy con từ rất sớm (tất nhiên là thông qua hình thức học mà chơi, chơi mà học). Mặc dù lúc ấy chưa đọc qua bất cứ bài viết nào về việc dạy trẻ sớm, bồi dưỡng tố chất cho trẻ nhưng tôi có một niềm tin mơ hồ mà mãnh liệt rằng càng dạy con biết chữ sớm thì càng tốt cho sự phát triển trí não của con.
Nên khi con được 18 tháng tôi bắt đầu cho làm quen với chữ cái và cháu nhanh chóng nhận được mặt chữ dù mẹ quay xuôi quay ngược thế nào. Nhưng do có nhiều người bảo tôi bắt con học sớm quá, bản thân lại chưa được trang bị tí lý luận nào về việc nên hay không nên dạy trẻ học chữ sớm, thế là tôi hoang mang, dao động, không dám dạy nữa.
Ảnh có tính chất minh họa |
Khi con 4 tuổi, tôi mới tiếp tục quay lại “sự nghiệp” dạy học đang dang dở năm xưa. Lúc này, tôi giúp con phân biệt các kiểu chữ khác nhau (như chữ in hoa, chữ in thường, chữ viết tay), mua bảng xóa cho con tập cầm bút, tập tô, tập vẽ, học tính cộng trừ từ 1 đến 10.
Khi con 5 tuổi , tôi bắt đầu mua bàn ghế cho con tập ngồi học, mỗi tối khoảng 20 đến 30 phút.
Quá trình học hoàn toàn do tôi tự biên tự diễn, không phụ thuộc vào sách giáo khoa. Kết quả con biết đọc và biết làm toán trước khi vào lớp 1.
Hi vọng và kì vọng Trích nhật kí ngày 19/8/2013)
Bao mong chờ, hồi hộp cuối cùng thì ngày con đi học cũng tới. mẹ cảm giác như mình đang nín thở trong đêm giao thừa để chờ đợi giây phút bắn pháo hoa huy hoàng sắp tới. mẹ không biết chính xác bà và bố nghĩ gì nhưng chắc chắn một điều là cả nhà đều kì vọng và tin tưởng ở con, sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con học tập.
Nếu như lúc trước mẹ cảm thấy căng thẳng và sức ép trong việc dạy con học thì bây giờ tự nhiên mẹ thấy thanh thản, yên tâm đến lạ. Giống như một sĩ tử khi chuẩn bị cho kì thi vất vả, lo lắng bao nhiêu thì đến khi thi sẽ thở phào nhẹ nhõm bấy nhiêu. Vì mẹ tin rằng đã chuẩn bị khá kĩ hành trang cho con vào lớp 1. mẹ không có gì để phải áy náy, ân hận cả. Con trai mẹ với những kiến thức đã có, lại chịu khó học, ngoan ngoãn, lễ phép nhất định sẽ không phụ tấm lòng của mẹ, của cả nhà phải không?”
Thất vọng não nề
Những buổi học đầu tiên của lớp 1 dần trôi qua, một tháng, hai tháng rồi ba tháng mà không thấy có một tín hiệu vui mừng nào của con như tôi đã từng ấp ủ, kì vọng. Ngược lại, toàn chuyện buồn.
- Thứ nhất: viết chậm và chưa đẹp. Giờ tan học, bố đến đón vẫn phải ngồi chờ cho con viết xong mới được về. Bài tập viết đầu tiên 5 điểm.
- Thứ hai: đôi lúc nói còn ngọng. Không được cô giáo chọn đi học vào giờ tập đọc trong số 25 bạn.
- Thứ ba: không được chọn đi thi Violimpic toán dù chỉ là cấp trường.
Trích nhật kí của mẹ: “Con ơi, mẹ quả thực chán nản, thất vọng đến ứa nước mắt. Lẽ nào đây lại là những gì mẹ nhận được sau bao nhiêu cố gắng, nỗ lực dạy dỗ con? Lẽ nào con lại một đứa trẻ kém cỏi đến thế so với các bạn? Lẽ nào mẹ đã đặt lầm niềm tin nơi con ư?..Là do mẹ không biết dạy hay do con không thể giỏi được?”
Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu trăn trở, dằn vặt, lại thêm sự không thấu hiểu từ phía chồng. Thỉnh thỏang phải nghe những lời nói “mát” như: con nhà người ta chả phải học trước mà cũng vẫn đâu ra đây hoặc cứ học hết lớp 1 kiểu gì chả biết đọc biết viết, học trước cũng thế, không học trước cũng vậy là tôi lại thấy khổ sở, ức chế vô cùng.
Giận mình, giận con, bực tức, quát mắng la hét, có lúc không kiểm soát nổi những lời nói của bản thân.
Kết quả chung cuộc
Sơ kết học kì 1, con nằm trong tốp 10 bạn chăm ngoan, học giỏi của lớp. Tôi quá bất ngờ, vui mừng, chả hiểu ra sao nữa.
Sang học kì 2, con tiếp tục tiến bộ hơn, đứng ở vị trí thứ 5 của lớp.
Lên lớp 2, con“ tỏa sáng” ngay ở kì thi khảo sát đầu năm, với số điểm cao nhất lớp, giải nhất kì thì Violimpic toán ở trường, giải nhì cuộc thi “sân chơi trí tuệ”.
Bài học rút ra
Quả thực những thành tích trên không là gì cả so với công sức tôi đã dạy con học và cũng không là gì cả so với rất, rất nhiều những bạn học giỏi khác nhưng nó cho tôi một bài học quý giá.
Hãy bình tĩnh, tự tin, đừng vội nao núng tinh thần. Những lời khen chê của cô giáo, những con điểm chưa cao không hẳn đã là tất cả, có thể chỉ là một biểu hiện nhất thời, giả tạm. Lo lắng thái quá về việc học của con chỉ tạo áp lực lên chính mình và đứa con, để lại hậu quả buồn không đáng có.
Sự học cũng giống như chạy maratong vậy, hơn nhau ở sức bền và độ bật vào phút cuối. Ở đây tôi không có ý cổ vũ mọi người dạy con học sớm như tôi mà chỉ muốn nói rằng nếu bạn đã kì công dạy dỗ con, và tự mình nắm được sức học của con, thì phải vững vàng, tin tưởng, chớ nên hoang mang, dao động bởi một vài tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Hãy chia sẻ cách dạy con của bạn với chúng tôi? Bài viết gửi về địa chỉ [email protected] |
- Dư Phương Liên (Hà Nội)