- Một đôi bạn trẻ sắp cưới thử tính toán chi phí từ lúc sinh con cho đến nuôi trưởng thành, cộng với tiền tiết kiệm khi về hưu thì sơ sơ đã lên tới 1-2 tỷ đồng.
Chia sẻ trên một diễn đàn làm cha mẹ, một thành viên cho hay: “Chồng sắp cưới của em nói chi phí 1-2 tỷ lo cho con và để nghỉ hưu ấy không phải mình em gánh, em tính toán chi cho cực vậy. Nhưng mục đích của em tính ra là để có động lực tiết kiệm, để xem mỗi tháng mình cần tích lũy bao nhiêu mới đủ lo cho con em mình. Nên em phải lập sẵn kế hoạch để ép bản thân mình tiết kiệm đúng và đủ ít nhất 2 khoản ấy thôi”.
Theo tính toán sơ sơ của đôi bạn trẻ, chi phí từ lúc sinh con cho đến lúc nuôi trưởng thành đã hết khoảng 1 tỷ, cộng thêm khoản tiết kiệm lo cho lúc nghỉ hưu nữa.
Thấy chồng sắp cưới lo ngại, rằng lấy đâu ra tiền dư để tiết kiệm, cô gái liền liệt kê cụ thể các khoản chi tiêu để bạn trai thấy được “mức độ nghiêm trọng” và cùng thực hiện.
Dưới đây là bảng liệt kê chi phí nuôi con:
Cô gái dự tính ố tiền chi tiêu khi sinh con (ảnh webtretho) |
Cô gái cho hay, bảng chi tiêu trên chưa bao gồm những khoản chi tiêu khi mang thai, như sắm đồ bầu, sữa mẹ bầu, khám sức khỏe, siêu âm, chi phí sinh con,...
Rồi mỗi năm, cũng cần để dành ra một khoản để tiêm phòng, lo cho con khi đau ốm,... chi phí cũng tốn không ít. Cụ thể như bảng dưới đây:
Tổng cộng, số tiền nuôi con hết tầm 650 triệu, cộng dồn thêm khoản từ lúc mang thai cho đến khi sinh con (tầm 50 triệu) thì cần khoảng 1 tỷ đồng mới lo đủ cho con mọi thứ. Và theo cô, đó mới chỉ là mức trung bình thôi, còn muốn con có điều kiện hơn còn tốn kém hơn nhiều.
Sau đó, cô gái lên kế hoạch tiết kiệm để đôi bạn trẻ triển khai mỗi tháng, trong từng giai đoạn khi nuôi con:
Đối với khoản tiết kiệm khi về hưu, cô gái cho rằng: Nếu về hưu sống thêm 10 năm và mỗi tháng tiêu hết tầm 5 triệu đồng cho 2 vợ chồng, trước khi về hưu cần tới 5 triệu x 12 tháng x 10 năm = 600 triệu. Kể cả khi đã có bảo hiểm, nhưng theo cô, là rất ít và không đủ. Thế nên, trong 10 năm đó mà không muốn phiền hà con cái thì cần để dành ít nhất là 600 triệu.
Lên kế hoạch tiết kiệm
Thành viên này cho hay, không cần biết thu nhập bao nhiêu mỗi tháng, các cặp vợ chồng phải chi tiêu thật tiết kiệm để trung bình mỗi tháng dư dả ít nhất 3 triệu đồng thì mới đủ lo cho con. Việc tiết kiệm sẽ dễ dàng hơn nhiều khi bạn còn độc thân.
Dựa vào bảng chi tiêu trên, cô gái đã lập chi tiết bảng kế hoạch tiết kiệm như sau:
- Giai đoạn 1 (2 năm): Mỗi tháng, cô và bạn trai cùng để ra một khoản gửi tiết kiệm (10% lương/người), trong đó cô sẽ để dành 700.000 đồng, bạn trai là 1,2 triệu đồng. Từ giờ cho tới khi tổ chức đám cưới (tức 2 năm nữa) sẽ có tầm 50 triệu để sinh con.
- Giai đoạn 2 (11 năm): Khi sinh con xong, cả hai sẽ phải tiết kiệm 15% lương, để có mỗi tháng sẽ có trên 3 triệu lo cho con từ sơ sinh cho đến hết cấp 1.
- Giai đoạn 3 (7 năm): Mỗi tháng tiết kiệm 15% lương để có 10% lo cho con học trung học + 5% mua bảo hiểm để sau này rút ra đóng học phí đại học cho con.
- Giai đoạn 4 (4 năm): Mỗi tháng tiết kiệm 15% lương để lo cho con khi vào đại học (10%) và 5% gửi tiết kiệm làm vốn cho con ra trường đi làm.
- Giai đoạn 5 (15 năm): Mỗi tháng tiết kiệm 15% lương để dành nghỉ hưu (trung bình mỗi tháng 4 triệu thì lao động 15 năm sẽ có 720 triệu).
Theo cô gái, sẽ không quá khó để thực hiện việc mỗi tháng tiết kiệm 10-15% thu nhập. Nhưng nếu không thực hiện ngay, tới khi lấy nhau rồi, mỗi tháng sẽ phải tiết kiệm đến 30-40% thu nhập mới đủ.
Thế nên cô kết luận: “Ai có khả năng tiết kiệm 30-40% lương thì cứ tiếp tục ăn xài khi còn độc thân nhé, còn em bây giờ em sẽ cố gắng nhịn 10% để mai mốt em đỡ cực đây”.
Các mẹ bỉm sữa thấy số tiền tiết kiệm như trên có nhiều không, nhất là với những đôi bạn trẻ mới ra trường, vừa đi làm thu nhập còn thấp? Còn việc chi tiêu cho con cái và khi nghỉ hưu có cần đến 2 tỷ đồng, bởi ông bà nội ngoại tài trợ thêm và về già đã có lương hưu?
Ng.Hà