Sau 42 năm tính từ 11g trưa ngày 30/4/1975, Sài Gòn – TP.HCM đã chuyển mình từ thành phố phục vụ chiến tranh sang Trung tâm kinh tế, văn hóa–xã hội lớn nhất phía nam Việt Nam.
Chặng đường 42 năm sau thời khắc 11g ngày 30/4/1975 được ghi dấu bằng nhiều thay đổi mạnh mẽ để góp phần quan trọng đưa đất nước Việt Nam “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như lời dặn của Bác Hồ. TS. Lê Kiên Thành, con trai cố TBT Lê Duẩn chia sẻ, “Quê cha tôi ở miền Trung, tôi sinh ra ở Hà Nội, nhưng có gần 30 năm sống ở Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh. Ước mơ, khát vọng cháy bỏng nhất của tôi luôn hòa chung với con người thành phố này. Cho nên những điều tôi nói là sự thiết tha thật tận đáy lòng góp phần nhỏ bé của mình với TP để cùng tìm được con đường đi lên đúng đắn nhất, để vừa nhanh, vừa vững mạnh, sánh vai với những đô thị, TP lớn trong khu vực và thế giới”. Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của con trai cố TBT Lê Duẩn về Sài Gòn-TP.HCM. |
Thưa ông, bắt đầu từ những trăn trở, suy nghĩ của các nhà lãnh đạo TP.HCM những nhiệm kỳ gần đây về việc đưa TP.HCM phát triển lên tầm cao mới. Nhìn chung họ đều cho rằng, cần có cơ chế phù hợp để TP.HCM, tháo gỡ những vướng mắc đang trì níu v.v… Nhiều đề án và kiến nghị đã được đưa ra, được trình lên Trung ương… Có những phần đã được đồng ý, có phần vẫn còn phải nghiên cứu tiếp… Là người gắn bó với TP như vậy, ông có những suy nghĩ về việc này như thế nào?
TS. Lê Kiên Thành: Tôi cũng theo dõi và nghe những kiến nghị. Ví dụ kế hoạch tạo cho thành phố một cơ chế phù hợp, biến TP thành một đặc khu; đưa TP về vị trí trong lịch sử đã từng- là số một của khu vực, tức “Hòn ngọc Viễn Đông” v.v… Tôi rất quan tâm và rất mừng.
Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh có vị trí chiến lược đặc biệt mang tính quyết định trong mọi thời kỳ. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tôi sinh ra ở Hà Nội. Quê cha thì lại ở miền Trung. Nhưng tôi đã có gần 30 năm, tức là gần nửa cuộc đời mình, sống ở thành phố này cho nên trong máu thịt của tôi; trong ước mơ, khát vọng cháy bỏng nhất của tôi luôn hòa chung với con người TP.HCM! Cho nên khi nghe nhà lãnh đạo quyết tâm đẩy TP phát triển, sánh với vị trí “Hòn ngọc Viễn Đông” như từng có, với vai trò xứng đáng của TP mang tên Bác,… tất cả những quan điểm đó đều hợp với mong mỏi của tôi cũng như nhân dân TP.
Để những ý tưởng này thành hiện thực, cần có cách tiếp cận khách quan và khoa học để tránh bị “lệch” khi đi tìm mũi đột phá, cũng như hóa giải những khó khăn từ nội tại của TP.HCM, tìm ra hướng phát triển phù hợp, mạnh mẽ. Chúng ta làm việc gì chỉ thấy thuận lợi, không thấy khó khăn thì cũng không được. Ngược lại, chỉ thấy khó khăn mà “quên” mất thuận lợi thì cũng không xong. Cần phải tránh ngay từ đầu bị “lệch” như vậy!
Đừng quên, thời chiến tranh, bên nào cũng muốn có được Sài Gòn, nay chúng ta gọi là TP.HCM? Đó bởi vì TP có vị trí chiến lược đặc biệt mang tính quyết định. Thời bình cũng vậy, TP có vai trò là đầu tàu thúc đẩy cả nước.
Hiện Sài Gòn-TP.HCM đã và đang được hưởng những gì, những cái đó có “đặc biệt” không?
Nhìn lại lịch sử, từ Hà Nội, Hải Phòng ở miền Bắc cho đến Huế, Đã Nẵng ở miền Trung… từng bị chiến tranh làm tổn thương ghê gớm. Nhưng Sài Gòn-TP. HCM là đô thị lớn duy nhất suốt mấy chục năm chiến tranh không hề bị tàn phá.
Sài Gòn–TP.HCM là trung tâm đầu não của chế độ cũ nên được Mỹ đầu tư hạ tầng khá tốt trong khi miền Bắc bị bom đạn vùi dập, giao thông gần như không còn gì. Huế và Đà Nẵng cũng bị bom đạn chà đi sát lại.
Một lợi thế nữa của Sài Gòn-TP.HCM không có nơi nào có được là với những đầu tư khổng lồ từ sẵn có, TP.HCM không phải khấu hao. Nói chính xác ra thì khấu hao của TP.HCM chính là sự hy sinh xương máu của cả dân tộc, trong đó có nhân dân TP.
Thế thì thử hỏi, TP. Hồ Chí Minh đã có những “đặc quyền”, “đặc lợi chưa”? Rõ ràng là có rồi. Nói cách khác, đây là lợi thế số một và duy nhất chỉ Sài Gòn-TP.HCM mới có, và cũng là duy nhất.
Chính những lợi thế không tỉnh thành nào có được đã giúp Sài Gòn-TP.HCM có vai trò quan trọng với cả nước. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Thêm một “đặc quyền”, “đặc lợi” nữa là TP này chưa từng bị thiên tai tàn phá. Bao nhiêu năm nay bão, thiên tai vào Hà Nội, Hải Phòng, miền Trung, và vào tận Cà Mau, Cần Thơ, nhưng tuyệt nhiên chưa không bao giờ bão tấn công Sài Gòn… Đây là những “đặc quyền” về địa lý.
Thì chính những lợi thế này đã giúp Sài Gòn-TP.HCM có vai trò quan trọng với cả nước. Dù chỉ chiếm chưa đầy 10% dân số nhưng TP đóng góp tới ¼ ngân sách quốc gia, và còn nhiều đóng góp quan trọng khác như ông biết đấy?
TP. HCM đang được hưởng nhiều ưu đãi về lịch sử, địa lý. Đây chính là “đất lành” nên nguồn nhân lực tốt nhất của cả nước cũng dồn về đây.
Những thành công của TP.HCM thời gian qua đều có nguồn gốc từ những lợi thế có một không hai này. TP.HCM đã đóng góp rất lớn cho cả nước, đặc biệt là trong ngân sách của cả nước thì phần đóng góp của TP.HCM chiếm tỷ trọng rất lớn. Tuy nhiên, nếu chỉ thấy con số này cũng như những con số “ấn tượng” khác như thế thì vô hình chung chúng ta sẽ khó thấy hết tiềm lực và nội lực quan trọng khác, mang tính quyết định.
Xin ông nói rõ thêm chỗ này?
Cái quan trọng nhất không phải là Sài Gòn-TP. HCM sẽ làm bao nhiêu tiền và đóng góp cho ngân sách tăng bao nhiêu. Mà cái quan trọng trước nhất, cái quan trọng đặc biệt là những cái hay, cái giỏi, cái tiến bộ của TP có sức lan tỏa như thế nào đến cả nước từ KT – XH cho đến văn hóa, khoa học kỹ thuật v.v...
Ngày từ đầu Sài Gòn-TP.HCM đã được xác định “vì cả nước, cùng cả nước”. Đây là trách nhiệm của TP.HCM với cả nước cũng như trách nhiệm của cả nước với TP.HCM. Sự gắn bó này đã quyện chặt từ hồi còn chiến tranh cho đến hòa bình, phát triển kinh tế, không thể tách rời.
Tôi vẫn băn khoăn một chút ở chỗ, nếu khoác cho Sài Gòn-TP.HCM “cơ chế đặc thù” thì vô hình trung chúng ta sẽ hạn chế sự lan tỏa của TP với các địa phương khác.
Sẽ không thể chỗ nào cũng làm đặc khu kinh tế được, và không thể lấy cái hay của đặc khu này để áp dụng phát triển cho một địa phương bình thường khác. Bởi khi đã là “đặc thù” thì khó mà tương tác, hợp tác với các địa phương “không đặc thù”.
Liệu rồi mô hình đó nó tác động thế nào để những cái hay, những cái tiến bộ, những cái đột phá của TP. HCM có sức lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế? Hay cái đó phải nằm chung trong tổng thể nền kinh tế cũng như các mặt văn hóa – xã hội khác? Chúng ta cần suy nghĩ rất kỹ ở chỗ này để cân nhắc, có sự lựa chọn phù hợp cho các kế hoạch phát triển thành phố.
Kỳ 2: Con trai Tổng bí thư Lê Duẩn trải lòng về những điều có thể và không thể
Kỳ 3: Con trai Tổng bí thư Lê Duẩn: "Sức mạnh co cụm rất nguy hiểm"
Duy Chiến thực hiện