Đoạn clip do chàng trai họ Vương đăng tải đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi về áp lực kết hôn ở tại Trung Quốc.

Theo đó, nhân vật chính cho biết chưa có cái Tết nào anh mang bạn gái về nhà ra mắt. Ở quê anh, những người ngoài 30 tuổi chưa kết hôn như Vương thường bị gọi là "ông già độc thân". Điều này khiến cho mẹ anh tin rằng đầu óc con trai mình "có vấn đề". Vì vậy, từ năm 2020, cứ mỗi dịp Tết, mẹ Vương lại đưa anh đến gặp bác sĩ tâm lý.

Con trai 38 tuổi chưa một Tết nào mang bạn gái về ra mắt, mẹ đưa đi khám tâm thần thì bác sĩ kết luận chính người mẹ mới gặp vấn đề - Ảnh 1.

Mỗi dịp Tết anh Vương đều được mẹ đưa đi khám tâm thần vì chưa lấy vợ.

Vừa qua, anh Vương cùng mẹ đến Bệnh viện tâm thần tỉnh Hà Nam. Tại đây, bác sĩ khẳng định anh không có bất kỳ vấn đề gì về thể chất hay tâm lý, nhưng bà mẹ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần khi liên tục thúc ép con trai lấy vợ.

Chia sẻ với truyền thông, anh Vương cho biết, anh đã sống và làm việc tại Bắc Kinh hơn 10 năm. Trước đây anh là diễn viên và hiện là huấn luyện viên quần vợt.

"Tôi không phải người bài xích hôn nhân. Chỉ là tôi rất bận và chưa gặp được đúng người. Mẹ tôi không thể ngủ vì tôi chưa cưới vợ. Điều đó làm tôi rất buồn", Vương nói. Đồng thời, anh cũng cho biết chấp nhận đồng hành với "niềm đam mê bệnh viện" kỳ lạ của mẹ để trấn an bà.

Con trai 38 tuổi chưa một Tết nào mang bạn gái về ra mắt, mẹ đưa đi khám tâm thần thì bác sĩ kết luận chính người mẹ mới gặp vấn đề - Ảnh 2.

Anh Vương chấp nhận đồng hành với "niềm đam mê bệnh viện" kỳ lạ của mẹ để trấn an bà khi vẫn độc thân.

Người trẻ Trung Quốc 'trôi dạt' vào cuộc sống độc thân

Một phân tích điều tra dân số gần đây của Trung Quốc cho thấy tỷ lệ độc thân giữa nam và nữ tại quốc gia này hoàn toàn đối lập, khi xét về yếu tố học vấn và nơi ở.

Đơn cử những người độc thân trong độ tuổi 35 đến 49. Tỷ lệ nam giới chưa kết hôn cao nhất ở nhóm có trình độ tiểu học trở xuống, trong khi nữ giới độc thân lại chủ yếu là những người có trình độ học vấn sau đại học. Nói dễ hiểu hơn, đàn ông học vấn càng thấp và nữ giới học càng cao rất khó kết hôn.

Tiến sĩ Zheng Yexin, nhà nhân khẩu học tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết sự mất cân bằng giới tính đã dẫn đến tình trạng kết hôn thấp vì nhiều người không thể tìm bạn đời, ngay cả khi họ muốn kết hôn. Trong số những người ở nông thôn từ 20 tuổi đến 49 tuổi có trình độ tiểu học trở xuống, thống kê cho thấy tỷ lệ nam giới chưa kết hôn cao hơn nữ 4,75 lần. Ngược lại, ở thành thị với người có bằng cử nhân trở lên, tỷ lệ này là 0,97 - tức số nữ chưa kết hôn cao hơn nam.

"Tất nhiên không phải tất cả những người độc thân đều là sản phẩm của hoàn cảnh", tiến sĩ Zheng nói. Bà cho biết nhiều người chọn độc thân sau khi cân nhắc kỹ lưỡng các lựa chọn cá nhân. Như với phụ nữ, sự bất bình đẳng giới tiềm ẩn trong gia đình, nơi làm việc và xã hội khiến họ coi kết hôn sớm là rủi ro. Những người này nảy sinh tâm lý trì hoãn hoặc tránh xa việc lập gia đình. Chưa kể, những người trẻ giỏi giang, giàu có sẵn sàng theo đuổi cuộc sống độc thân trọn đời.

Con trai 38 tuổi chưa một Tết nào mang bạn gái về ra mắt, mẹ đưa đi khám tâm thần thì bác sĩ kết luận chính người mẹ mới gặp vấn đề - Ảnh 3.

Nhiều người trẻ Trung Quốc đang lựa chọn cuộc sống độc thân thay vì kết hôn. Ảnh minh họa

Trong nghiên cứu về những người độc thân tại Mỹ của nhà xã hội học Eric Klinenberg nhấn mạnh việc sống độc thân không có nghĩa là ích kỷ, vô trách nhiệm hoặc thiếu gắn kết với đời sống cộng đồng. Thay vì lo lắng về những thanh niên chưa lập gia đình, không ổn định, chuyên gia kêu gọi toàn xã hội suy nghĩ lại về ý nghĩa của xu hướng này đối với đời sống xã hội.

Ngoài nhóm chủ động độc thân, tiến sĩ Zheng nhận thấy một lượng lớn thanh niên Trung Quốc có thái độ cởi mở với hôn nhân, nhưng chưa tìm được bạn đời. Nguyên nhân là bởi các chuẩn mực cố hữu về tầm quan trọng của việc mua nhà, có ôtô trước khi kết hôn hoặc yêu cầu tìm người bạn đời phù hợp về kinh tế. Bên cạnh đó, tính cạnh tranh của thị trường việc làm, tình trạng liên tục làm thêm giờ cũng phân tán thời gian và sức lực, khiến giới trẻ ngày càng khó hẹn hò, yêu đương và xây dựng gia đình.

Hiện số thanh niên độc thân ngày càng tăng, nhưng hôn nhân vẫn là lựa chọn quan trọng với đại đa số người Trung Quốc.

Với vấn đề này, các chuyên gia nhận định Trung Quốc không hoàn toàn giống với các quốc gia bài xích kết hôn. Thay vào đó, xu hướng này gần giống với Nhật Bản, nơi các học giả như James Raymo, Fumiya Uchikoshi và Shohei Yoda phát hiện người độc thân vẫn là thiểu số và việc sống một mình thường là sản phẩm của hoàn cảnh thay vì lựa chọn cá nhân. Hiện tượng này được các chuyên gia gọi là "trôi dạt vào cuộc sống độc thân".

Theo GĐ&XH