“Giàu có nhưng không quên người khó hơn mình”
Bước vào căn phòng rộng của ngôi biệt thự 200m2 ở tầng 2, chúng tôi ấn tượng với ban thờ đầy hoa quả, bánh kẹo và đồ thờ cúng của nhà ông Nguyễn Thái An (SN 1943, ở phố Hàng Đào, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Hỏi hôm nay là ngày gì mà gia đình chuẩn bị tươm tất, ông Thái An cười cho biết, mọi ngày, gia đình ông đều thờ cúng như vậy. Đó là thói quen ăn sâu vào truyền thống gia đình, để thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Bố mẹ ông Thái An có 12 người con. Ông là con trai trưởng. Vào những năm 40 của thế kỷ trước, phố Hàng Đào được mệnh danh là phố tơ lụa, có nhiều thương lái nước ngoài. Gia đình ông Thái An khi đó là một trong những nhà buôn vải lớn.
Lớn lên trong gia đình có truyền thống nho giáo, ông Thái An thừa hưởng nếp sống thanh lịch của người Tràng An. Bố mẹ ông luôn răn dạy con cái về “Chí - Đức - Tín - Nghĩa”.
Ông được răn dạy, làm người phải có ý chí phấn đấu. Khi giàu sang, phải luôn biết san sẻ với những người nghèo khó hơn mình. Không chỉ vậy, bố mẹ ông luôn nhắc nhở con cháu, dù làm công việc gì cũng phải giữ được niềm tin, chữ tín đối với khách hàng. Và quan trọng phải giữ được cái tình, cái nghĩa, nhớ về cội nguồn, ông bà tổ tiên.
Nằm nép mình trên phố Hàng Đào, căn biệt thự của gia đình ông Thái An vẫn còn nguyên nét cổ kính, bề thế. Vợ chồng ông Thái An hiện vẫn sinh sống tại căn biệt thự.
Đối với ông Thái An, kí ức về gia đình không chỉ nằm ở căn phòng đã cũ, hành lang phủ rêu, bức ảnh đen trắng mà còn là những giá trị đạo đức tốt đẹp.
Chỉ vào bức ảnh đen trắng chụp cả nhà khi còn là cậu bé lên 10, ông An kể cho chúng tôi nghe về tuổi thơ, về thời bố mẹ ông là đại gia nức tiếng, trong nhà có tới hơn chục bà vú, con sen...
Ông nhớ về bố mẹ, về các anh chị em sống chung trong căn biệt thự rộng có hơn 10 phòng. Ông nhắc đi nhắc lại về chữ Tín của người Hà Nội. Đó là đạo lý, truyền thống tốt đẹp của gia đình mà bố mẹ ông truyền dạy cho con cháu.
Trong kí ức của ông Thái An, người Hà Nội xưa rất kính trọng, quý mến nhau, luôn sẵn sàng giúp đỡ và sẻ chia với người khó khăn hơn mình. Bố mẹ ông khi đó là gia đình giàu có nhưng chưa từng quên những người nghèo khổ. Chỉ cần gặp người khó khăn, gia đình ông hết lòng giúp đỡ.
Ông còn nhớ chuyện một bà cụ nhà quê đi qua cửa nhà rồi ngã gục vì ốm. Bố mẹ ông nhìn thấy liền gọi người khiêng vào trong nhà. Biết người này bị cảm, bố mẹ ông cho đánh gió, uống thuốc. Sau vài tiếng, bà cụ hồi phục.
Thấy bà cụ khó khăn, gia đình ông nhiệt tình giữ lại vài ngày nhưng cụ kiên quyết từ chối. Khi cụ ra về, bố mẹ ông Thái An còn cho bà cụ tiền, đồ ăn thức uống.
Sau 2 tháng, bà cụ lại đến nhà ông, tay xách nải chuối, mớ rau đến cám ơn vì gia đình đã giúp mình. Tình cảm qua lại giữa con người với con người, sự quan tâm chia sẻ chính là bài học mà ông nhận từ những điều tử tế mà bố mẹ ông đã làm.
Thời đó, những người bán len bông thường ngồi nhờ trước cửa nhà ông mà không mất tiền thuê. Bố mẹ ông chủ trương giúp người, san sẻ khó khăn với họ. Để đáp lễ, mỗi dịp Tết đến, những người này lại gửi tặng gia đình những món quà như hộp mứt, gói kẹo.
Trầm ngâm một lúc, ông Thái An vào nhà lấy ra chiếc ống bơ đong gạo đã cũ. Ông kể, ngày trước, gia đình ông thường để một thùng gạo trước cửa nhà. Thấy người khó khăn, bố mẹ ông lại đong cho họ vài bơ gạo mang về. Những người nhận được ơn huệ rất biết ơn gia đình ông.
Răn dạy con cháu phải sống có tình, có nghĩa
Nhìn ông Thái An hiện tại, ít ai nghĩ ông đã 80 tuổi. Da dẻ ông hồng hào, giọng nói lưu loát trầm ấm, nhanh nhẹn. Đối với ông An, có được cuộc sống này là nhờ tâm luôn sáng, sống vui vẻ, yêu đời, yêu người đúng như tinh thần các cụ đã truyền dạy.
Ở tuổi 80, việc chạy bộ quanh Hồ Gươm mỗi ngày để nâng cao sức khỏe như ông Thái An là điều không phải ai cũng làm được. Ông kể, có lần đi dạo quanh hồ, ông gặp lại người năm xưa mình từng giúp. Họ nhận ra ông và liên tục nói lời cảm ơn, còn ngỏ ý muốn tặng quà. Tuy vậy ông kiên quyết từ chối bởi với ông, đó là việc nên làm, không mong cầu được báo ơn.
Chính những câu chuyện tốt đời đẹp đạo của gia đình đã ăn sâu vào tiềm thức của ông Thái An. Để cho đến tận ngày hôm nay, ông vẫn luôn trao truyền cho con cháu về đạo đức làm người, về việc giữ gìn những lối sống tốt đẹp của người Hà Nội.
Dù đi đâu, làm gì, mỗi dịp Tết gia đình ông lại quây quần bên căn biệt thự ở phố Hàng Đào, cùng nhau đón Tết ôn chuyện xưa. Ông vui và tự hào vì các con đều thành đạt, có cuộc sống tốt và không quên nguồn cội.
“Tôi luôn tâm niệm phải sống hết mình với bản thân và mọi người. Tôi trân trọng và ghi nhớ những giá trị sống tốt đẹp mà ông bà, bố mẹ để lại. Có được ngày hôm nay, phải biết nhớ ơn những thế hệ đi trước. Tôi cũng luôn răn dạy con cháu phải giữ gìn truyền thống gia đình tốt đẹp mà các cụ, ông bà đã gây dựng, trao truyền cho chúng ta”, ông Thái An bộc bạch.
Kỳ 1: Tết đẹp như mơ trong ký ức của con trai đại gia nức tiếng Hà Nội xưa