Như VietNamNet đã đưa, VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và con trai Đỗ Hoàng Việt (Phó TGĐ Tân Hoàng Minh) cùng 13 bị can khác về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đỗ Hoàng Việt bị bắt tạm giam từ ngày 5/4/2022. Đến ngày 19/9/2023, bị can Việt được thay thế sang áp dụng biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh.
Trong số 15 bị can, các bị can sau đang được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú: Lê Thị Mai (nguyên Phó Ban nguồn vốn, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh), Vũ Lê Vân Anh (Phó giám đốc Ban Nguồn vốn, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh), Nguyễn Văn Khẩn (Phó Trưởng phòng Ngân sách Trung tâm Tài chính kế toán Công ty Tân Hoàng Minh), Bùi Thị Ngọc Lân (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và Kiểm toán Việt Nam Chi nhánh phía Bắc) và Nguyễn Thị Hải (nguyên Phó TGĐ Công ty CPA Hà Nội).
Bị can Đỗ Anh Dũng hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam. Trước đó, hồi tháng 8/2022, ông Vũ Đình Luyện, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh có buổi làm việc với các nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh để giải đáp thắc mắc xoay quanh vấn đề trái phiếu doanh nghiệp.
Theo ông Luyện, nếu có sự hiện diện của các lãnh đạo tập đoàn trong việc điều hành hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như ông Đỗ Hoàng Việt hoặc ông Đỗ Anh Dũng sẽ đóng vai trò quan trọng vào quá trình thu xếp tài chính để hoàn trả nhà đầu tư.
"Chúng tôi rất mong cơ quan có thẩm quyền cho phép một số lãnh đạo cấp cao của tập đoàn được tại ngoại để tham gia trực tiếp điều hành hoạt động của tập đoàn", đại diện Tân Hoàng Minh nhấn mạnh.
Theo cáo buộc, để phát hành được trái phiếu, các bị can đã thông đồng thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối, hợp thức điều kiện, hồ sơ phát hành, thủ tục chào bán, giao dịch trái phiếu: ngụy tạo các hoạt động kinh doanh bằng hình thức ký hợp thức các hợp đồng hợp tác đầu tư, đặt cọc, mua bán cổ phần… không có thật giữa nội bộ các công ty thuộc Tập đoàn.
Các bị can đã thông đồng với đơn vị kiểm toán, hợp thức số liệu báo cáo tài chính của 3 công ty phát hành, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần để hợp thức điều kiện phát hành trái phiếu.
Các bị can còn ký các hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống”, thể hiện việc Công ty Tân Hoàng Minh thanh toán tiền mua trái phiếu và dòng tiền từ 3 công ty phát hành theo nhiều hợp đồng hợp tác đầu tư; tạo lập giá trị “ảo” các gói trái phiếu, hợp thức trái chủ cho Công ty Tân Hoàng Minh.
Ngoài ra, các bị can đã sử dụng tài sản của chính những hợp đồng hợp tác đầu tư “khống” làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu. Từ đó tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu Công ty Tân Hoàng Minh để huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư tổng số hơn 8.643 tỷ đồng.
Tiền này được các bị can sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành trái phiếu. Đến nay, bố con ông Dũng đã tác động gia đình, tổ chức liên quan nộp hơn 5.651 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
Quá trình điều tra, truy tố, CQĐT đã truy thu theo dòng tiền sử dụng có nguồn gốc tiền từ tiền bán trái phiếu, tạm giữ các khoản tiền của các bị can, gia đình các bị can; Công ty Tân Hoàng Minh và các tổ chức liên quan đã nộp vào tài khoản tạm giữ của CQĐT, Cục Thi hành án Dân sự TP Hà Nội tổng số hơn 8.645 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
CQĐT cũng kê biên, phong tỏa giao dịch đối với tài sản là 8 căn hộ, nhà, đất; tài khoản chứng khoán, số dư tiền trên tài khoản của các bị can, người liên quan trong vụ án.