phan-mem-thuong-hieu-Viet.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Với mong muốn trở thành một công ty có phần mềm được sử dụng phổ biến nhất trong nước và quốc tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có thứ hạng cao trên bản đồ CNTT thế giới, MISA liên tục phát triển các phần mềm phục vụ cho khối doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước. Hiện MISA có khoảng 10 sản phẩm thương hiệu Việt, trong đó những sản phẩm chính là Phần mềm Kế toán Doanh nghiệp vừa và nhỏ MISA SME.NET, Phần mềm Quản trị nguồn nhân lực MISA HRM.NET, Phần mềm Quản trị Quan hệ Khách hàng MISA CRM.NET, Phần mềm Kế toán Hành chính sự nghiệp MISA Mimosa.NET, Phần mềm Kế toán xã MISA Bamboo.NET...

Việc phát triển, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ đó có những điều kiện thuận lợi gì và gặp phải những khó khăn gì?

MISA cũng giống như các doanh nghiệp làm phần mềm đều đang nhận được những thuận lợi nhất định khi phát triển và kinh doanh một số sản phẩm CNTT. Trước hết, từ nhiều năm nay, Nhà nước đã có chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp phần mềm. Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách phát triển, ứng dụng CNTT làm tăng nhu cầu mua sắm các sản phẩm và dịch vụ CNTT. Bộ TT&TT cũng có nhiều hỗ trợ cho các doanh nghiệp phần mềm, như đang hỗ trợ doanh nghiệp (trong đó có MISA) triển khai và áp dụng tiêu chuẩn chất lượng CMMi trong việc phát triển phần mềm.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp phần mềm cũng gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn, Nhà nước chưa có nhiều hỗ trợ về cơ sở hạ tầng như cho doanh nghiệp phần mềm hưởng ưu đãi trong những dự án cho thuê hoặc mua mặt bằng. Việc sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử vẫn còn nhiều hạn chế, gây khó khăn cho việc bán hàng online (thay vì dễ dàng thanh toán và bàn giao sản phẩm trực tuyến thì các doanh nghiệp phải mất nhiều nhân lực và thời gian để làm các thủ tục bàn giao và thu tiền khách hàng). Và một khó khăn khác là rất khó tuyển dụng được nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao do công tác đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng chưa thực sự gắn chặt với thực tế.

Các doanh nghiệp CNTT Việt đã có sự liên kết để phát triển sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt hay chưa?

Hiện nay, các tổ chức, hiệp hội nghề như Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Hội Tin học Việt Nam... đã có sự liên kết chủ yếu là xúc tiến thương mại, trao đổi kinh nghiệm… tuy nhiên sự liên kết để phát triển sản phẩm dịch vụ CNTT thì hầu như rất ít.

Với chủ trương người Việt dùng hàng Việt, nhiều chuyến hàng Việt đã được đưa về nông thôn nhưng trong đó vẫn thấy vắng bóng các sản phẩm, dịch vụ CNTT. Theo ông đâu là lý do?

Thực tế, một số sản phẩm dịch vụ CNTT cũng đã đến được các vùng nông thôn, ví dụ như phần mềm MISA. Ngay cả UBND xã hay trường học tại những vùng xa xôi như huyện Mù Cang Chải hay tận Côn Đảo... cũng đều đang sử dụng Phần mềm Kế toán của MISA. Tuy nhiên, nhìn chung, phần mềm dành cho các doanh nghiệp ở nông thôn vẫn còn hạn chế. Lý do thì có nhiều, nhưng dễ dàng nhận thấy doanh nghiệp ở nông thôn còn nhỏ và ít, họ bị hạn chế về nhận thức, trình độ và khả năng tiếp cận các thông tin về công nghệ, phần mềm. Hơn nữa, nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng CNTT vẫn còn yếu và một phần do hạ tầng để triển khai phần mềm vẫn còn gặp không ít khó khăn. 

Ông đánh giá thế nào về hành lang pháp lý hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt hiện nay?

Theo tôi, đến nay, hành lang pháp lý hỗ trợ phát triển sản phẩm và dịch vụ CNTT tại Việt Nam tương đối tốt: Việt Nam đã có luật CNTT, luật bản quyền và sở hữu trí tuệ, có các chế tài để thực hiện. Điều này giúp các doanh nghiệp phần mềm có thể yên tâm khi phát triển và kinh doanh các sản phẩm của mình. Về thương mại điện tử, chúng ta cũng đã có luật tuy nhiên việc ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh như thanh toán và bán hàng qua mạng hiện nay còn rất hạn chế.

Ông có kiến nghị gì về sự hỗ trợ của Bộ TT&TT trong mảng hoạt động này trong thời gian tới?

Trong công tác xúc tiến thương mại và hợp tác với nước ngoài, các doanh nghiệp làm phần mềm Việt Nam rất cần được Bộ TT&TT hỗ trợ về tổ chức, chương trình, kinh phí cho các đoàn công tác xúc tiến hợp tác thương mại với nước ngoài về phần mềm; tiếp tục tổ chức, hỗ trợ xây dựng và lấy chứng chỉ quy trình quản lý chất lượng CMMi, ISO... nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng phần mềm.

Ngoài ra, chúng tôi cũng rất cần được hỗ trợ về địa điểm làm việc như xây dựng khu công viên phần mềm tại Hà Nội, cho phép các doanh nghiệp phần mềm thuê đất xây trụ sở với giá ưu đãi hoặc thuê văn phòng với giá ưu đãi (như các mô hình công viên phần mềm ở nước ngoài)… Thêm vào đó, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dịch vụ liên quan đến phần mềm như đào tạo, tư vấn, triển khai… cũng cần được cho phép hưởng mức ưu đãi như đối với phần mềm.