Thời gian gần đây, dòng lan đột biến đang trở thành tâm điểm chú ý của nhiều người. Đặc biệt việc chuyển nhượng, giao dịch lan còn diễn ra công khai, phô trương, thậm chí còn có nhiều vụ chuyển nhượng là giả mạo.

Không chỉ riêng Hà Nam, ở nhiều tỉnh thành khác cũng xuất hiện tình trạng này với giao dịch lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Trước vấn đề này, một đại gia đam mê cây cảnh bức xúc nói: "Ngoài Hà Nam ra, thời gian gần đây những cuộc giao dịch lan đột biến diễn ra ở nhiều tỉnh thành khác, có nơi giao dịch tới 60 tỷ đồng.

Nếu như năm ngoái, năm kia giá trị một ki khoảng 1-2 tỷ đồng thì đến năm nay giá trị lên đến 16 tỷ đồng. Tôi và một số người rất bức xúc trước trường hợp này, không hiểu vì sao vấn đề bức thiết này lại tiếp tục diễn ra và không có sự can thiệp của nhà chức trách.

{keywords}
Dòng lan đột biến quý hiếm đang gây sốt (ảnh minh họa).

Sau những cuộc giao dịch lan giá trị cao như thế này, hệ lụy nó đem lại sẽ rất lớn. Theo tôi được biết những giỏ lan không chỉ có giá trị vài tỷ đồng mà còn có giá tới vài tỷ đô. Tôi nghĩ những việc này có thể có bàn tay của nước ngoài thao túng".

Theo đại gia này nhận định, năm ngoái tình trạng giao dịch lan đột biến đã lắng xuống, thế nhưng năm nay những giao dịch này lại bùng lên còn mạnh mẽ hơn.

Trong thời gian sắp tới, những vụ giao dịch thế này có thể sẽ diễn ra tràn lan hơn. Nhiều người tiền ở nhà chưa chắc đã có nhưng bán nhà, bán xe mua lan nhưng giá trị thu về lại bằng không.

Ví dụ bán 1 mắt lan giá 1 tỷ đồng, nhưng nếu sang năm ra hoa không phải như cam kết ban đầu, mắt đó dài hơn 2 phân thì phải đền 20 tỷ đồng, nếu dài 5 phân phải đền tới 50 tỷ đồng. Vậy nên những giao dịch mua bán ở đây là bằng lòng tin chứ không ai biết được thật giả như thế nào.

"Trong hàng triệu cây lan mới có 1 cây đột biến, không thể có lắm đột biến như thế được. Vậy nhưng mỗi một năm ai cũng thấy trên thị trường xuất hiện hàng loạt cây đột biến. Nếu so sánh với năm ngoái, chỉ có vài loại đột biến thì năm nay phải có đến 30 loại đột biến.

Đặc biệt một loại đột biến dài 5 phân vừa được giao dịch ở Phú Thọ với giá 60 tỷ đồng khiến nhiều người xôn xao. Như vậy tính ra giá trị của nó còn cao hơn cả kim cương, trên thế giới không có loại kim cương nào giá lại đắt đến thế", đại gia cây cảnh chia sẻ.

Theo vị đại gia này nhận định, tất cả những người giao dịch lan trong các thương vụ trên đều là kinh doanh thu lợi nhuận chứ không phải vì đam mê. Vậy lợi nhuận cuối cùng đi về đâu? Một phần của mục đích này có thể là rửa tiền.
Lượng tiền đổ vào lan như đa cấp lừa đảo. Có nhà vay mượn, bán nhà, bán xe để mua lan. Việc này thật sự bất công với người nghèo.

Nếu số tiền lớn này đi đúng hướng thì phát sinh lợi cho xã hội để không xảy ra tệ nạn xã hội. Nếu để thả lỏng những giao dịch lan này thì có thể sẽ dẫn tới những hậu quả tai hại. Ví dụ sau khi mua lan đột biến, sang năm hay năm nữa không ra hoa đúng như cam kết thì bắt đền được ai, nếu không ai đền thì có thể dẫn tới mâu thuẫn và phải dùng bạo lực thanh toán.

"Để hạn chế và quản lý được tình trạng này, các cơ quan chức năng nên giám sát chặt chẽ để không xảy ra hiện tượng giao dịch lan công khai, lừa đảo.

Mỗi cuộc giao dịch, cơ quan chức năng kiểm tra xem lan đó có phải do họ trồng hay không, giá trị giao dịch có thật không, hóa đơn thuế như thế nào? Đặc biệt như trường hợp giao dịch lan ở Hà Nam, sau khi xác định được giao dịch đó là giả thì cơ quan chức năng phải xử lý như thế nào? Tôi thật sự xót cho những người nghèo khi bỏ tiền vào lan và không nghĩ tới hậu quả sau này", vị đại gia này bày tỏ.

Liên quan đến việc thị trường mua bán, trao đổi hoa lan đột biến gen ngày càng nóng lên, mới đây công an tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, mặt hàng trước âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động mua bán hoa lan đột biến gen nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Tuyên Quang, thời gian gần đây các giao dịch chuyển nhượng lan đột biến gen diễn ra công khai, phô trương và được quảng bá, livestream rộng rãi trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok… với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Hình ảnh các "tấm gương" đổi đời, làm giàu nhanh chóng từ hoa lan, dễ dàng kiếm tiền tỷ trong thời gian ngắn đã đánh vào tâm lý hám lợi của một số bộ phận người dân, thúc đẩy họ tham gia đầu tư vào hoa lan đột biến.

Từ một thú chơi lúc trà dư tửu hậu, việc kinh doanh hoa lan đột biến gen đang trở thành trào lưu với sự tham gia của nhiều thành phần xã hội. Hầu hết người chơi đều mong kiếm lời dễ dàng, đổi đời trong chớp mắt; không ít người trong số đó bất chấp rủi ro, cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng, người thân, thậm chí huy động cả nguồn "tín dụng đen" để đầu tư.
 
Đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ vỡ nợ dây chuyền, phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", "đòi nợ thuê", tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản...
 
"Không hiếm trường hợp người chơi lan bỏ ra cả tỷ đồng để mua giống lan quý, sau hàng năm trời chăm sóc kỳ công, cây lan lại trổ ra mặt hoa phổ biến, giá trị thấp, dẫn đến tranh cãi, xô xát với người bán, nhận ra mình bị lừa thì đã quá muộn", Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết.

(Theo Đất Việt)