Đã có dấu hiệu lừa đảo chưa?

Cho tới thời điểm này, ngay cả các cảnh báo từ các chuyên gia bảo mật và blockchain về Pi vẫn chưa đưa ra được chứng cứ rằng Pi có dấu hiệu lừa đảo, hay đã thể hiện hành vi lừa đảo.

Cho dù, những dấu hiệu được cho là Pi Network thiếu minh bạch, và đồng Pi coin cũng chưa được giao dịch trên thị trường, hay cũng có thể nói là lời hứa hưởng lợi đồng tiền ảo Pi mới “trên đầu môi và chữ nghĩa” là hoàn toàn đã rõ ràng.

Với những gì Pi Network hứa hẹn thì quả là “làm giàu không khó”. Hay có thể hơn thế nữa, là “kiếm tiền, làm giàu quá dễ”.

{keywords}
Nhiều người dùng tại Việt Nam đã tải ứng dụng Pi về điện thoại để "đào" tiền ảo. Ảnh: Thế Lâm.

Và cho dù người sáng lập Pi Network được cho là một tiến sĩ tại Đại học Stanford – ngôi trường chuyên đào tạo và là cái nôi nuôi dưỡng nhiều startup tỉ đô hàng đầu thế giới, thì cũng chẳng có gì bảo đảm được rằng dự án Pi Network của vị tiến sĩ này không phải là chiếc “bánh vẽ”.

Thử tải ứng dụng này về điện thoại, có thể nói là việc đăng kí tài khoản Pi khá dễ dàng, chỉ cần dùng số điện thoại hoặc Facebook cá nhân để khai báo thông tin. Từ tháng 2.2021, thời điểm đồng tiền ảo Bitcoin bùng nổ về giá thì Pi coin cũng được rót vào tài khoản người dùng với mỗi giờ 0,1 Pi. Người chơi chỉ bị ràng buộc cứ mỗi 24 giờ đồng hồ vào ứng dụng Pi Network nhấn nút “điểm danh”. Để tăng tốc độ đào và hưởng lợi, người chơi chỉ cần mời thêm người khác vào mạng lưới.

Chuyên gia bảo mật Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena – cho biết: “Cho đến thời điến này chưa thấy người nào liên hệ đưa ra bằng chứng tố Pi Network lừa đảo. Tuy nhiên, góc độ bảo mật đương nhiên là có nhiều vấn đề cần lưu ý”.

Những vấn đề quan ngại

Theo ông Thắng, khi tải bất cứ một ứng dụng nào về và đăng kí, đăng nhập để sử dụng thì ứng dụng đó hoàn toàn có thể thu thập dữ liệu cá nhân người dùng.

Ứng dụng Pi Network cũng thế, hoàn toàn có thể thu thập thông tin cá nhân người dùng. Nhưng đáng nói hơn là, những thông tin về ứng dụng Pi Network hiện khá hạn chế cho dù nó là một ứng dụng về đào tiền ảo và liên quan đến quyền lợi người dùng. Chỉ có những thông tin phía quản trị ứng dụng công bố thì người chơi mới được biết, còn lại đều mù mờ.

Chính vì thế, càng đáng quan ngại hơn khi phía quản lí ứng dụng là ai, pháp nhân ra sao…, và việc thông tin, dữ liệu cá nhân người dùng do họ nắm giữ nổi cộm vấn đề về độ tin cậy.

Lời mời gọi đào tiền ảo từ Pi Network về bản chất cho tới lúc này, theo chuyên gia Thắng, là mời mọc người dùng sử dụng ứng dụng, dùng tài nguyên từ điện thoại của người dùng (phần cứng, phần mềm, Internet) để “đào tiền ảo”. Người dùng được gì thì đến lúc này chưa rõ. Nhưng về phía ứng dụng, khi lượng người dùng tăng lên đông đảo với thông tin cá nhân họ thu thập được, họ hoàn toàn sử dụng cho việc kinh doanh thu lợi, như bán quảng cáo chẳng hạn...

Trong thời đại “Data is King” (dữ liệu là vua), khi nắm được dữ liệu thì Pi Network hoàn toàn có thể làm được nhiều việc khác nữa để thu lợi.

Và khi Pi Network đã có thể nằm trong điện thoại của hàng triệu triệu người dùng, qua các phiên bản nâng cấp, cập nhật họ hoàn toàn có thể lấy được nhiều dữ liệu sâu hơn, riêng tư và nhạy cảm hơn từ thiết bị chứ không chỉ là những thông tin, dữ liệu phổ biến như tên, số điện thoại, tài khoản Facebook...

 

(Theo Lao Động)