Những con số này không hề biết nói dối: 95% trong số 7 tỷ người trên Trái đất đang sống trong bầu không khí kém trong lành, và khi xét đến các tiêu chuẩn, có tới 60% dân số thế giới thậm chí không được hưởng bầu không khí thỏa mãn những tiêu chuẩn tối thiểu.

Đây là những con số được đưa ra trong bản đánh giá khí hậu toàn cầu năm 2018, một trong những đánh giá thường niên của Viện nghiên cứu các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhằm đánh giá độ ô nhiễm của bầu khí quyển, cũng như các gánh nặng bệnh tật mà nó gây ra. Bản nghiên cứu này cũng cho thấy, ô nhiễm không khí là nguyên nhân của hơn 6 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, và hậu quả thường gặp của nó là đột quỵ, ung thư phổi và các bệnh lý phổi mạn tính. Điều này đồng nghĩa với việc, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong xếp hàng thứ 4, chỉ đứng dưới tăng huyết áp, suy dinh dưỡng và hút thuốc lá.

Mặc dù những con số là rất đáng báo động, nhưng tình trạng này dường như vẫn đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Năm 2014, chỉ có 92% dân số sinh sống trong môi trường chưa đủ chuẩn được WHO khuyến nghị. Các loại khí độc hại đang ngày càng trở nên đa dạng hơn, nó bao gồm cả khí và phần tử siêu vi như ammonia, NaCl, carbon đen, bụi quặng, sulfate… WHO đã đề ra tiêu chuẩn về hàm lượng các chất này trong không khí, nhưng có tới 95% người dân phải chịu đựng bầu không khí với hàm lượng vượt ngưỡng các chất độc hại nêu trên. 2/3 dân số thế giới thậm chí phải hít thở bầu không khí vô cùng độc hại. Và dĩ nhiên, điều kiện đó tập trung ở những vùng dân cư nghèo và kém phát triển nhất.

Trung Quốc và Ấn Độ hiện là hai ứng cử viên hàng đầu cho vị trí quốc gia sở hữu môi trường khí quyển độc hại nhất. Đây cũng là lẽ đương nhiên, bởi đây là hai quốc gia sở hữu quá nửa lượng dân cư toàn cầu. Ấn Độ cùng Pakistan và Bangladesh cho thấy sự tăng tiến thần tốc về hàm lượng chất độc hại chỉ trong một thập kỷ qua, trong khi đó, Trung Quốc lại là quốc gia đang trên đà chiến thắng vấn nạn ô nhiễm môi trường, nhờ vào nỗ lực của chính phủ trong việc đầu tư xây dựng ngành công nghiệp xanh và công nghiệp tái tạo.

“Ô nhiễm môi trường đang là vấn nạn toàn cầu, chúng khiến gánh nặng bệnh tật, đặc biệt là các bệnh lý về đường hô hấp đang gia tăng chóng mặt. Các thiệt hại gây ra không chỉ là chi phí y tế, mà nó còn đánh mạnh vào lực lượng lao động trên toàn cầu. Nó không khác gì một loại bệnh dịch, bằng bất cứ giá nào, cần được dập bỏ càng nhanh càng tốt." - Bob O’Keefe, phó giám đốc Viện nghiên cứu các ảnh hưởng tới sức khỏe cho biết.

Theo GenK