Dinh dưỡng tinh thần cực kỳ quan trọng
Có mặt tại một buổi giao lưu tại TP.HCM với chủ đề “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”, TS. Bùi Trân Phượng phân tích, nếu cha mẹ để lỡ các dấu mốc trưởng thành quan trọng của con trẻ sẽ rất khó khăn để kết nối trở lại với các con; nếu trong suốt tuổi thơ đứa trẻ không làm cho phụ huynh đau đầu lần nào thì đó là một đứa trẻ không bình thường. Có thể tuổi vị thành niên là rất khó chịu cả với các bậc phụ huynh lẫn với trẻ, đây là khoảng thời gian quan trọng phát lộ dần con người thực của mỗi cá thể, nên bản thân cá thể đó cũng phải đối diện với những vấn đề mà mình không hiểu; mình không hiểu mình thì làm sao người khác hiểu mình?
Bà nói: “Nhưng thực sự thì độ tuổi vị thành niên rất thú vị. Cha mẹ đừng để lỡ các mốc quan trọng trong độ tuổi trưởng thành của một đứa trẻ, hãy kết nối với con. Con tôi đến khi trưởng thành, vẫn luôn nhớ tôi đã nói với nó: Con là người tự do, con sinh ra tự do và con được làm bất cứ điều gì con mong muốn”.
Đúc kết từ kinh nghiệm nhiều năm làm hiệu trưởng đại học Hoa Sen, sáng lập và là chủ tịch HĐQT NES Education, bà Phượng rất quan tâm đến nền giáo dục gia đình, đặc biệt là việc giáo dục đọc sách cho trẻ.
Bà chia sẻ, “trẻ em sinh ra vốn dĩ có lòng ham hiểu biết. Sách là nguồn cung cấp kiến thức rất tốt nên các cha mẹ hãy nuôi dưỡng lòng ham thích này của trẻ chứ đừng cản trở nó đã là tốt rồi. Xin lỗi quý vị, đừng lo đút cho con ăn tối ngày, làm như vậy nuôi con giống như nuôi… heo, chỉ cho con thức ăn vật chất, mong con tăng ký; khoẻ mạnh về cơ thể nhưng đứa trẻ có thể èo uột về tinh thần”.
Bà Phượng nói: “Quý vị hãy hiểu rằng thức ăn tinh thần cũng quan trọng không kém thức ăn vật chất. Các cháu của tôi ở Hà Nội, mỗi lần tôi ra chơi, chúng đều hỏi: Lần này nội mang cho con sách gì? Nếu tôi có mang đồ ăn đặc sản miền Nam, thì chỉ có người lớn thích chứ không phải con trẻ”.
Tuy nhiên, để có thể làm cho con trẻ hiểu được kiến thức là quý báu, thì giáo dục gia đình phải rất chu đáo, các bậc cha mẹ cần dành rất nhiều thời gian cho con trẻ chứ không phải chỉ lo bận bịu tối ngày việc của mình và “bỏ đói” tinh thần các con.
“Đừng cố tình nhét vào tay con cuốn sách mà mình nghĩ là tốt. Cũng như đừng có cố tình cho uống sữa này, ăn thức ăn bổ dưỡng kia. Mỗi đứa trẻ có một “khẩu vị” vật chất và tinh thần khác nhau chứ không phải cha mẹ áp đặt là được. Phải coi thời gian giành cho con trẻ là vui vẻ, tự nguyện, thì trẻ mới cảm nhận được; chứ nếu chính các phụ huynh cũng coi việc chơi với trẻ, đọc sách cùng trẻ là cực hình thì đương nhiên về phía con trẻ cũng vậy” – T.S Bùi Trân Phượng cảnh báo.
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương kể, cuốn sách đầu tiên con ông đọc là bằng tiếng Nhật vì bé sinh ra ở Nhật. Ngay trong đợt khám sức khỏe lần đầu tiên tại trung tâm phúc lợi, vào lúc bé 3 tháng tuổi, bé được gặp 3 người. Một là bác sĩ khám sức khoẻ tổng quát cho bé, hai là chuyên gia dinh dưỡng cho những lời khuyên về chế độ ăn dặm của bé, người thứ ba là nhân viên thư viện, hướng dẫn cha mẹ về việc tầm quan trọng của việc đọc sách, khuyên cho bé đọc những loại sách gì cho tới 6 tuổi, tặng cho bé một cuốn sách bằng hình ảnh, dành cho trẻ chưa biết chữ.
"Trẻ em sinh ra vốn dĩ có lòng ham hiểu biết. Sách là nguồn cung cấp kiến thức rất tốt". Ảnh minh họa: VOV |
Ông Vương nói: “Ban đầu tôi nghĩ tại sao lại đọc sớm thế? Ngay như tôi trưởng thành trong một gia đình có cả thư viện lớn nhưng bố tôi cũng chỉ cho tôi đọc sách khi đã biết chữ. Nhưng chỉ sau 1 tuần đọc cuốn sách đó, bé đã tương tác rất tốt với cuốn sách này. Đó cũng là cuốn sách bé thích nhất, mặc dù sau này bé đọc rất nhiều cuốn sách khác”.
“Khi sinh con thứ hai, chúng tôi đã có kinh nghiệm hơn nên đọc sách hàng ngày cho con nghe từ lúc còn trong bụng mẹ. Cho đến giờ con thứ nhất của tôi 4 tuổi, con thứ 2 tròn 18 tháng và cả hai đều rất say sưa đọc sách. Hình phạt trong gia đình tôi nếu bé không ngoan thì sẽ không được đọc sách nữa” – ông Nguyễn Quốc Vương chia sẻ thêm.
Đau đầu với môn giáo dục công dân
Mở rộng hơn về vấn đề giáo dục công dân, dịch giả Nguyễn Quốc Vương lưu ý: “Chắc chắn quý vị còn nhớ hồi đi học, môn mà nhiều học sinh ghét nhất chính là môn giáo dục công dân. Các thầy cô giáo dậy môn này thường là không có chuyên môn gì hoặc chuyên môn kém không dậy được các môn khác. Đó là điều sai lầm tệ hại. Bởi vì giáo dục công dân lẽ ra là một môn học cực kỳ quan trọng”.
Ông Vương tin rằng, “có những người rất tốt trong gia đình họ, nhưng khi bước ra xã hội lại là những công dân tồi. Cũng có những người ở môi trường tốt thì tốt mà rơi vào môi trường xấu sẽ thành xấu. Rất nhiều người có thể là công dân tốt trong tất cả mọi bối cảnh nhưng có những người khác lại chỉ tốt trong từng bối cảnh. Đó là vì cảm quan công dân của từng người mạnh yếu khác nhau. Khi một con người có cảm quan công dân tốt, sẽ cân nhắc xem mình đang ở đâu, nếu hành xử như thế này trong không gian công cộng, ngoài không gian riêng tư của mình thì có trách nhiệm hay không?”
Vấn đề mà dịch giả Nguyễn Quốc Vương nhắc tới có liên quan đến những tệ nạn tràn lan, chẳng hạn như cứ sau mỗi lễ hội thì lượng rác thải ra rất nhiều, ngay trong thang máy có camera vẫn nhiều người có hành vi xâm hại trẻ em gái và phụ nữ; hoặc hiện tượng thầy giáo xâm hại tình dục học sinh.
Đánh giá mỗi con người cá thể, mỗi gia đình cần xem xét tổng hoà các mối quan hệ với xã hội, ông Vương nhấn mạnh: “Nếu con cái chúng ta có cảm quan công dân tốt, chúng sẽ có trách nhiệm công dân và sẽ lựa chọn những hành vi tốt cho mình, tốt cho cộng đồng và xã hội, loại trừ những hành vi xấu. Tất cả những cảm quan công dân này đều phải được giáo dục từ rất sớm, trong nhà trường, và đó chính là môn giáo dục công dân, trong mối tương quan gia đình – nhà trường – xã hội”.
Hoà Bình