Lâu nay, nhiều người Việt vẫn duy trì nhiều thói quen ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ mà không hề hay biết. Sai lầm này khiến không ít người Việt phải nhập viện cấp cứu, tốn kém nhiều chi phí, thậm chí trả giá bằng tính mạng. Tuyến bài "Thói quen làm hại sức khoẻ người Việt" là lời cảnh báo từ các chuyên gia thông qua những ca bệnh thực tế.
Bệnh nhi là bé Đ.M.Q, 9 tuổi, được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) ngày 21/7 trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị và quanh rốn.
Bé trai được chỉ định nội soi dạ dày tá tràng, kết quả cho thấy có 2 ổ loét lớn đối xứng nhau, kích thước 1,2 cm và 1,5 cm; bờ vết loét phù nề xung huyết, đáy có giả mạc trắng kèm vài ổ loét nông nhỏ. Bệnh nhân được chẩn đoán loét tá tràng.
Đáng chú ý, trao đổi với bác sĩ, gia đình cho biết cậu bé bị sốt liên tục 4 ngày trước khi vào viện. Thấy con sốt cao, gia đình tự mua thuốc Ibuprofen cho con uống 5 tiếng/lần và lặp lại liên tục trong 4 ngày, kể cả lúc đói.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Huynh, Phó Trưởng khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, nhận định bệnh nhân có tiền sử ăn uống bình thường, tiền sử bệnh lý đường tiêu hóa không có điểm đặc biệt, nguyên nhân gây loét tá tràng có thể do việc sử dụng Ibuprofen không đúng hướng dẫn sử dụng.
Theo vị bác sĩ, nhiều cha mẹ có thói quen ưu tiên sử dụng Ibuprofen là thuốc đầu tay khi con bị sốt, trong khi việc dùng thuốc này cần thận trọng vì đây là thuốc kháng viêm thuộc nhóm non-steroid (NSAID). Đặc điểm của nhóm này là tác dụng hạ sốt, chống viêm tốt nhưng có nhiều phản ứng phụ không mong muốn.
Do đó, phụ huynh không nên tự ý sử dụng loại thuốc này, đặc biệt không được sử dụng khi chưa loại trừ nguyên nhân sốt xuất huyết. Đó là do thuốc này tăng nguy cơ chảy máu và các biến chứng khác của bệnh sốt xuất huyết. Nhiều trẻ em bị sốt xuất huyết dùng thuốc hạ sốt Ibuprofen dẫn đến xuất huyết tiêu hóa phải nhập viện cấp cứu.
Thuốc Ibuprofen cũng không được dùng để hạ sốt trong các trường hợp trẻ loét dạ dày, xuất huyết tiêu hoá; có tiền sử dị ứng với thuốc...