Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được kỳ vọng tăng thêm đầu tư vào phục hồi kinh tế, gồm các dự án như dự án giao thông, dự án trọng điểm và các chương trình hỗ trợ lãi suất cho các lĩnh vực cần ưu tiên phục hồi.
Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chia sẻ với báo chí: Trong lĩnh vực giải ngân, về cơ bản, nhiều dự án đã được thực hiện cơ chế đặc thù như chỉ định thầu, cho phép khai thác mỏ vật liệu mà không cần cho phép. Chính vì vậy mà tốc độ giải ngân của nhiều dự án trọng điểm khá tốt.
Bên cạnh đó, nhiều dự án thuộc các lĩnh vực khác không thuộc các lĩnh vực trọng điểm ví dụ các lĩnh vực y tế, giáo dục, đầu tư mua sắm… vẫn còn vướng các thủ tục hành chính. Chính vì vậy, đến thời điểm thực hiện chương trình giám sát thì nhiều nguồn vốn hầu như chưa được giải ngân, mới nằm trong giai đoạn thẩm tra các dự án để hoàn thiện các thủ tục và khi hoàn thành thủ tục mới giải ngân được.
Ông Cường cho rằng, "vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta cần phải xem những quy định mang tính thủ tục cho việc triển khai các dự án đầu tư rõ ràng còn kéo dài".
Những vướng mắc chủ yếu của các dự án mua sắm, đầu tư cho y tế, giáo dục, là nhiều yếu tố như định mức về kinh tế kỹ thuật, đơn giá về các trang bị chưa có quy định cụ thể, trong khi chưa trao quyền quyết định cho những cơ quan đầu tư đó. Chính vì vậy, việc đưa đến phương án lại đẩy trách nhiệm hỏi các cơ quan, bộ ngành, kéo thời gian rất dài.
Đặc biệt, gói hỗ trợ lãi suất 2% là kỳ vọng rất lớn của Nghị quyết 43, mong muốn với hỗ trợ 40.000 tỷ đồng có khoảng chừng 2 triệu tỷ đồng tín dụng sẽ được đưa vào nền kinh tế để phục hồi. Tuy nhiên, kết quả thực hiện rất thấp, hầu như không đáng kể.
Trong bối cảnh doanh nghiệp, người dân còn nhiều khó khăn hiện nay, ông Hoàng Văn Cường cho rằng: "chúng ta đang có dư địa khá tốt về tài khóa, do đó, nên tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa ngược, thông qua việc tiếp tục duy trì giảm các khoản thuế, các nghĩa vụ đóng góp hoặc thậm chí phải giảm một số khoản đóng góp cho các đối tượng đang khó khăn.
Bên cạnh đó, nguồn ngân sách dự tính dành cho gói 40.000 tỷ đồng nên chuyển sang chương trình hỗ trợ theo các mục tiêu rõ ràng. Điển hình như trước đây có những gói hỗ trợ như cho vay để xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp và chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Gói hỗ trợ này được ngân hàng hoàn thành rất sớm, đúng đối tượng, mang lại hiệu quả cao".
Hiện nay, có rất nhiều các ngành, các lĩnh vực cần phải tiếp tục hỗ trợ như: Hỗ trợ cho nhà thu nhập thấp, hỗ trợ cho các chương trình chuyển đổi, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và các chương trình để tiếp cận, thu hút các nhà đầu tư mới như đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực, chuẩn bị các yếu tố để đón nhận được các nhà đầu tư về ngành công nghiệp bán dẫn…
"Tôi cho rằng đó là những chương trình chúng ta cần phải có hoặc chính sách hỗ trợ thực sự là ưu đãi của Chính phủ', ông Cường nhấn mạnh.