Cao 9,1m, bề ngang 10m, con nhện khổng lồ bằng đồng, thép không gỉ nằm ở khu Roppongi (Tokyo, Nhật Bản) luôn khiến người qua lại choáng ngợp. Đây là một trong 6 con nhện cực đại do nhà điêu khắc Louise Bourgeois bắt đầu sáng tác từ năm 1999. Các phiên bản khác đang định cư tại Anh, Canada, Tây Ban Nha, Mỹ, Qatar. Ngoài ra, chúng còn từng được trưng bày tại hàng chục nước khác.
Bourgeois (1911-2010) là một trong những nhà điêu khắc hàng đầu của thế kỷ 20 và 21 và tác phẩm nhện khổng lồ là thành tựu vĩ đại của bà. Đây cũng là mô-típ chiếm trọn những sáng tác các thập kỷ cuối đời của nghệ sĩ người Pháp.
Biểu tượng của các bà mẹ
Hình tượng nhện trong sáng tác của Bourgeois được coi là biểu tượng cho tất cả bà mẹ, những người giống như con nhện, nhanh trí và tháo vát. Bourgeois giải thích: “Con nhện là thợ sửa chữa. Nếu bạn làm rách mạng nhện, nó không nổi điên. Nó sẽ dệt lại”.
Ý tưởng đó bắt nguồn từ chính mẹ của Bourgeois vốn là người thợ tài năng trong xưởng phục chế thảm của gia đình. Kỹ năng sử dụng kim chỉ khéo léo của mẹ giống như con nhện giăng tơ đã mê hoặc Bourgeois.
Khi Bourgeois 21 tuổi, mẹ bà mất vì một căn bệnh không rõ nguyên nhân. Nữ nghệ sĩ rơi vào tuyệt vọng. Vài ngày sau đó, Bourgeois nhảy xuống sông Bièvre nhưng thoát chết khi người anh bơi đến cứu.
“Tôi muốn dùng hình ảnh con nhện ca ngợi mẹ tôi. Mẹ là người bạn tốt nhất của tôi. Gia đình tôi làm nghề phục chế thảm, mẹ phụ trách xưởng. Giống như những con nhện, mẹ là thợ dệt tài năng và rất thông minh. Nhện là loài thân thiện và hữu ích, chúng ăn những con muỗi truyền bệnh”, Bourgeois lý giải.
Trong cuốn sách Ode à Ma Mère (Thơ tặng mẹ), Bourgeois viết: “Mẹ tôi là người thận trọng, thông minh, kiên nhẫn, nhẹ nhàng, hợp lý, xinh xắn, tinh tế, gọn gàng và hữu ích như một con nhện”.
Chúng ta có thể thấy dòng suy nghĩ này trong tác phẩm điêu khắc con nhện lớn nhất của Bourgeois mang tên Maman (nghĩa là Mẹ trong tiếng Pháp). Khi ngước mắt nhìn lên, bạn có thể thấy bụng nhện chứa những quả trứng cẩm thạch. Nhện là biểu tượng quyền lực của người mẹ nuôi dưỡng và bảo vệ đàn con.
Chân dung tự họa
Bourgeois có 3 cậu con trai và bà đã mang những trải nghiệm làm mẹ - người chu cấp, người bảo vệ và người lãnh đạo - vào các tác phẩm điêu khắc về con nhện. Ngoài ra, Bourgeois cũng so sánh sáng tác nghệ thuật của mình với hoạt động của một con nhện có thể dệt nên những mạng lưới ma thuật, huyền bí từ những sợi chỉ mảnh mai.
Bà có một câu nói nổi tiếng: “Tôi làm, tôi tháo ra, tôi làm lại” cho thấy mối liên hệ của nữ nghệ sĩ với con nhện, loài không ngừng xây dựng, sửa chữa và tái tạo các mạng lưới mới để tồn tại.
Sự mâu thuẫn của loài nhện
Bourgeois bị loài nhện thu hút do chúng đóng các vai trò đầy mâu thuẫn và trái ngược. Một mặt, nhện gây ra sự kinh hãi và ghê sợ với vẻ ngoài sần sùi, gớm ghiếc. Tuy nhiên, nhện cũng là thợ dệt những chiếc mạng đẹp mong manh. Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta từng dừng lại để ngắm nhìn mạng nhện lấp lánh dưới ánh nắng, đọng sương mai hay lung linh sau cơn mưa.
Trong khi đó, Bourgeois giải thích sự yêu mến với loại nhện do đây là loài săn mồi hữu ích: “Nhện ăn muỗi, giúp chúng ta đối phó với loài côn trùng này. Đó là lý do tôi yêu loài nhện”.
Bourgeois cũng làm nổi bật sự mảnh khảnh của nhện trong tác phẩm điêu khắc của mình, bằng cách giữ thăng bằng cho chúng trên những chiếc chân dài và khẳng khiu.