Giữa cái nắng cháy da, cháy thịt ở xứ Tân Thạnh, Gò Công Đông, Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Thê (48 tuổi), đi thăm đồng vừa về tới nhà đã nói với vợ “lúa vụ này coi như bỏ, mất trắng luôn rồi bà ơi”.
Ông Thê chạy xe máy đi lấy nước ngọt ở vòi công cộng về cho gia đình sử dụng |
Vụ Đông Xuân này, ông Thê làm 6 công lúa. “Nếu lúa phát triển tốt thì đến lúc thu hoạch, bán cũng lãi được vài triệu để lo chi phí sinh hoạt. Còn bây giờ lúa đang sắp trổ mà không có nước, chỉ chờ cháy khô. Vụ này lỗ trắng, mà còn nợ tiền phân thuốc”, ông Thê thở dài.
Nói rồi, ông lấy 3 can loại 30 lít chạy đến vòi nước ngọt công cộng mà chính quyền địa phương mở cung cấp miễn phí cho người dân.
“Nước dưới ao, đìa cạn khô, tới đám lục bình còn chết, dân ở đây không có nước để tắm, giặt giũ, nếu chính quyền không mở vòi nước công cộng miễn phí này”, ông Thê chia sẻ.
Mỗi chuyến ông lấy 3 can, mỗi can 30 lít |
Nước đem về đổ vào lu để dành sử dụng |
Sau khi hứng đầy 2 can, ông Thê chất lên xe máy, chở về nhà cách đó khoảng 500m, đổ vào lu, rồi chạy đi lấy tiếp.
“Giờ trưa ít người đi lấy nên mình tranh thủ lấy 10 can, chứ tầm 4h chiều đông dữ lắm, phải xếp hàng chờ”, ông Thê nói.
Chồng đi làm, cả tháng nay, chị Lê Trúc Linh mỗi ngày mang theo 2 can nhựa chạy gần 2km đến vòi nước công cộng để chở về dùng sinh hoạt.
13h trời nắng như thiêu đốt, chị Linh vẫn tranh thủ cầm 1 can nhựa đi lấy nước ngọt |
“Nước này dùng để tắm, giặt quần áo, rửa chén dĩa, chứ không uống được. Nước uống thì có nước mưa dữ trữ từ trước”, chị Linh nói và ngao ngán than, ao, đìa ở nhà chị đã cạn khô.
Chị Linh phải vất vả mang được can nước để lên xe chở về |
Cũng như nhiều gia đình khác, chị Linh than, 3 công lúa của chị giờ chỉ hứng sương sáng để sống, chứ không có nước.
Thấy trời mát, bà Phan Thị Đây kêu con trai lấy can nhựa chạy đi lấy nước. “Tranh thủ đi con ơi, chút nữa đi là ngồi chờ mọc râu đó”, bà Đây hối con.
Trong lúc ngồi chờ vòi nước chảy đầy can, người phụ nữ 60 tuổi tâm sự, bà sống ở xứ biển Gò Công này mấy chục năm qua, nhưng đây là năm đầu tiên phải đi lấy nước ngọt về sử dụng.
Bà Đây tranh thủ đến sớm lấy nước nên không phải ngồi đợi nhưng người khác |
“Ao, đìa cạn khô, chỗ nào còn nước thì nước cũng xanh lè. Hạn mặn năm nay khốc liệt hơn cách đây 4 năm chú ơi. May mà có vòi nước ngọt miễn phí này để lấy về sử dụng, nhưng mình cũng xài tiết kiệm lắm, lỡ hết nước thì chết”, bà Đây nói và lo lắng, nếu tình trạng nắng hạn kéo dài thì tới nước mưa cũng không còn để uống.
Con trai bà Đây mang 2 can nước về nhà đổ vào lu nước rồi quay lại lấy tiếp |
Đến 16h chiều, tại những vòi nước công cộng miễn phí, hàng chục người chạy xe máy mang theo can nhựa, xếp hàng chờ hứng nước ngọt về sử dụng.
“Càng về chiều người ta đi lấy nước càng đông. Người nào đến sau thì ngồi chờ, tranh thủ hỏi thăm nhau, chủ yếu hỏi về ruộng lúa, hoa màu không hà”, bà Trương Thị Kìa nói và cho biết, bà ngồi chờ lấy đủ 10 can nước để 4 người trong gia đình sử dụng trong 2 ngày.
Còn bà Võ Thị Kim Thuỷ khoe: "Nhà tôi còn hai lu nước mưa lớn nên chắc uống đủ mùa hạn mặn năm nay".
"Tranh thủ hứng cả mùa mưa vừa rồi đó, nếu không thì giờ không biết lấy nước đâu uống”, bà nói tiếp.
Mọi người ngồi xếp hàng để đợi lấy nước ngọt |
Tranh thủ lúc chưa tới lượt, mọi người trò chuyện, hỏi thăm nhau nhưng chủ yếu về chuyện hạn mặn |
Tất cả nước ngọt đều được chính quyền cấp miễn phí cho bà con |
Những can nhựa nước ngọt bây giờ đối với người dân vùng hạn mạn như báu vật |
Trước tình hình hạn mặn năm nay, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã thi công và vận hành 8 giếng khoan bổ cấp nguồn nước cho khu vực nhà máy nước Đồng Tâm và Bình Đức.
Đồng thời mở hàng chục vòi nước công cộng cho người dân các huyện phía đông sử dụng nước miễn phí. Các điểm đặt vòi nước công cộng chủ yếu ở các nơi chưa có nguồn nước máy, hoặc áp lực nước yếu, hoạt động 24/24 để cho người dân đưa các dụng cụ chứa nước vận chuyển nước về sử dụng trong những tháng cao điểm mùa khô.
Hạn nứt đất, nước mặn như muối, khắp miền Tây 'ngồi trên đống lửa'
Kênh rạch cạn trơ đáy, đồng ruộng nứt nẻ, vườn trái cây thiếu nước ngọt... khiến nông dân miền Tây như "ngồi trên đống lửa" khi nguy cơ mất mùa tăng cao.
Hoài Thanh - Trương Thanh Tùng